Kinhtedothi - Bản chất của chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đã vì lợi ích của người lao động (NLĐ), cho nên mọi quy định tại Điều 60 Luật BHXH 2014 đều xuất phát từ lợi ích của NLĐ. Ông Chu Văn Tùy - nguyên Giám đốc BHXH Hà Nội chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị về những điểm lợi của Điều 60, cũng như nên mở rộng quy định để NLĐ lựa chọn.
Theo quan điểm của ông, Điều 60 Luật BHXH sẽ giúp NLĐ được hưởng nhiều quyền lợi hơn so với hưởng BHXH một lần như thế nào?
- Nhà nước đang thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế toàn dân, tất cả mọi NLĐ đều được tham gia BHXH là mục tiêu phấn đấu. Trước đây, khi NLĐ ngừng làm việc, sau đó đi làm lại thì không được tính đóng BHXH liên tục. Bây giờ, Điều 60 quy định không làm nữa sẽ được chốt sổ, khi nào NLĐ đi làm lại thì đóng tiếp. Và hết tuổi lao động (60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ) có đủ thời gian đóng BHXH, được hưởng lương hưu. Mục đích là càng nhiều người cao tuổi được hưởng chế độ hưu càng tốt.
Một số ý kiến cho rằng, sở dĩ hàng ngàn công nhân Công ty Pouyuen Việt Nam ngừng việc là vì chưa được tuyên truyền, giải thích rõ về Luật BHXH, trong đó có Điều 60. Liệu còn có nguyên nhân nào nữa, thưa ông?
- Tôi đồng tình với ý kiến đó, nhưng điều quan trọng nhất là trình độ nhận thức của NLĐ còn quá thấp, bởi họ là nông dân đi làm công nhân. Những người nông dân này không phải bần cùng hóa bị mất đất như thời trước, khi đi làm công nhân, họ vẫn nghĩ nếu gặp vấn đề sẽ quay về làm nông nghiệp. Họ chưa nhận thức được chính sách bảo hiểm có những đổi mới, nên sợ rằng đóng BHXH rồi để đấy sẽ bị mất.
NLĐ chưa biết trong chính sách BHXH có 2 hình thức là bắt buộc và tự nguyện. BHXH bắt buộc thì DN và Nhà nước - những người sử dụng lao động đóng là chính, NLĐ nộp một phần. Với hình thức tự nguyện, NLĐ sẽ đóng bảo hiểm hoàn toàn, nhưng không phải đóng tất cả các chế độ BHXH, mà chỉ khoản hưu trí và tử tuất, cho nên mức đóng không cao lắm.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết Luật BHXH sửa đổi. Theo ông, trong Điều 60 có nên bổ sung quy định để từng NLĐ được lựa chọn hình thức phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình?
- Nếu được, Nhà nước cho điều chỉnh lại Điều 60 của Luật BHXH 2014 để NLĐ có thể được lựa chọn nhận trợ cấp một lần khi mất việc làm. Nhưng tôi tin, nếu chúng ta làm tốt công tác tuyên truyền và giải thích rõ Điều 60 thì rất ít NLĐ nhận tiền BHXH một lần vì chính lợi ích của NLĐ.
Thưa ông, Điều 60 đã cho thấy rõ NLĐ được hưởng nhiều lợi ích, nhưng thực tế, chủ lao động ở những khu công nghiệp may, da giày rất ít khi sử dụng NLĐ sau 40 tuổi. Khi NLĐ trở về làm ruộng, có cuộc sống khó khăn nhưng vẫn muốn nộp BHXH tự nguyện thì Nhà nước có nên hỗ trợ một phần?
- Chúng ta chưa bàn đến việc hỗ trợ đóng BHXH. Đóng BHXH là tích lũy của NLĐ gồm 2 phần: Một phần là xã hội tức là người chủ sử dụng lao động tích lũy và một phần NLĐ tự tích lũy. Đó là đương nhiên, NLĐ muốn về già sống thảnh thơi thì phải tích lũy. Tôi muốn nhấn mạnh, quy định trong Điều 60 nên theo kiểu “du di” một chút. Ví dụ, những trường hợp đặc biệt như gần hết tuổi lao động mà thời gian đóng tiếp cũng không đủ số năm để nghỉ hưu, hay những NLĐ không bao giờ đi làm nữa… thì nên cho họ được hưởng một lần.
Hiện, quy định đóng BHXH để hưởng lương hưu của Việt Nam đang ở mức độ nào? Có nên điều chỉnh?
- So với các nước trong khối ASEAN là ngang bằng. Tôi thấy mức đóng BHXH hiện nay là được.
Để được hưởng lương hưu cao, có nên đóng BHXH theo thu nhập?
- Đóng BHXH không phải vấn đề hưởng cao hay thấp, các nước cũng không đặt vấn đề đó. BHXH là để an sinh xã hội. Cái chính là quy định mức đóng BHXH thế nào để người sử dụng lao động và NLĐ chịu được. Nếu tăng mức đóng càng cao để thu được nhiều thì người ta sẽ sinh ra chuyện trốn. Nên đóng theo mức cơ bản của tiền lương hiện tại thì người chủ sử dụng lao động mới chịu đựng được.
Vừa rồi, trả lời báo chí, ông Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng có nói đến vấn đề chưa công bằng trong chế độ hưu trí giữa 2 khối trong và ngoài nước. Ông thấy thế nào?
- Chính sách bảo hiểm của Việt Nam có chút sơ hở đối với các công ty liên doanh nước ngoài. Họ trả lương theo USD, nhất là cán bộ quản lý có mức lương rất cao, lúc đó mình tưởng thu được nhiều tiền đóng BHXH là tốt, nhưng đồng nghĩa với trả lương hưu theo mức đóng. Cho nên đã có nhiều trường hợp hưởng lương hưu tới mấy chục triệu đồng/tháng. Như thế quá chênh lệch so với mức lương CBCNVC làm việc lâu năm. Theo tôi, chỉ quy định mức đóng BHXH tối đa khoảng 10 lần lương tối thiểu, để khi nghỉ hưu không có độ chênh lệch quá cao so với những đối tượng khác.
Xin cảm ơn ông!
Làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Thảo Linh
|