Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Nga theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin từ ngày 20 đến 22/3. Nhân chuyến đi này, Mỹ, Anh và Ukraine đều kêu gọi ông Tập thuyết phục ông Putin ngừng chiến sự ở Ukraine.
Chuyến đi thu hút sự chú ý lớn trên quốc tế khi nó diễn ra không lâu sau khi Tòa án hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ ông Putin vì các vấn đề gây tranh cãi ở Ukraine.
Theo Hãng thông tấn AFP, từ Kiev, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cho biết nước này "đang theo dõi sát" chuyến thăm Nga của ông Tập. Ông Nikolenko kêu gọi Trung Quốc "sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Nga" để khiến Moscow ngừng chiến sự ngay lập tức.
Tại London (Anh), người phát ngôn của Thủ tướng Rishi Sunak cũng thúc giục ông Tập "sử dụng cơ hội này để gây sức ép với Tổng thống Putin ngừng ném bom các thành phố, bệnh viện, trường học của Ukraine," AFP dẫn lời.
Tại Mỹ, Nhà Trắng cũng kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc gây áp lực để ông Putin tôn trọng chủ quyền của Ukraine và chấm dứt chiến sự.
Hãng thông tấn Reuters đưa tin người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hôm 20/3 nói rằng Washington lo ngại ông Tập Cận Bình sẽ nhắc lại lời kêu gọi các bên ngừng bắn, động thái cho phép lực lượng Nga tiếp tục ở lại bên trong lãnh thổ Ukraine.
Theo ông Kirby, ông Tập nên trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky về tác động của cuộc chiến đối với Kiev.
"Chúng tôi khuyến khích Chủ tịch Tập gây sức ép với Tổng thống Putin trong cuộc gặp trực tiếp về việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Thế giới sẽ theo dõi sát sao động thái này," ông Kirby nhấn mạnh.
Ông cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn đối thoại với Chủ tịch Trung Quốc một lần nữa. Chưa có chương trình nào được chuẩn bị, nhưng giới chức Mỹ muốn bảo đảm việc đó diễn ra “vào thời điểm phù hợp”.
Trong cuộc gặp không chính thức tối qua tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc gọi nhau là "bằng hữu". Theo Hãng thông tấn Tass của Nga, đây là cuộc hội đàm không chính thức giữa hai nhà lãnh đạo.
Tổng thống Putin đánh giá cao “quan điểm cân bằng, khách quan” của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế, và khẳng định Nga “có thái độ cởi mở với với tiến trình đàm phán về Ukraine, hoan nghênh vai trò xây dựng của Trung Quốc trong nỗ lực này”.
"Tất nhiên, chúng tôi sẽ thảo luận về vấn đề này. Chúng tôi biết rằng ông đã dựa trên các nguyên tắc về công lý và cam kết tuân thủ các điểm cơ bản của luật pháp quốc tế. Chúng tôi chắc chắn sẽ thảo luận về tất cả những vấn đề này, bao gồm cả sáng kiến của Trung Quốc," ông Putin nói.
Sau phần phát biểu của tổng thống Nga, thông qua phiên dịch viên, ông Tập đáp lại rằng Tổng thống Putin cũng là một bằng hữu của ông. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh Bắc Kinh sẵn sàng đóng một vai trò trong tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Ông Tập nhấn mạnh rằng “những tiếng nói của hoà bình và lý trí đang không ngừng tập hợp, và đa số các quốc gia ủng hộ giảm căng thẳng, ủng hộ hoà giải và đàm phán, phản đối việc tiếp thêm dầu vào lửa,” Tass dẫn lời nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Theo ông, mối quan hệ Nga - Trung như hiện nay là một logic của lịch sử và cho rằng Bắc Kinh nên có quan hệ gần gũi với Nga. Ông cũng cảm ơn ông Putin vì những ủng hộ mà Nga đã dành cho Trung Quốc.
"Đúng là cả hai quốc gia chúng ta đều có chung hoặc một số mục tiêu tương tự nhau. Chúng ta đã nỗ lực vì sự thịnh vượng của cả hai nước. Chúng ta có thể hợp tác và làm việc cùng nhau để đạt được các mục tiêu của mình," ông Tập nói.
Chủ tịch Trung Quốc kế đó đề cập đến cuộc bầu cử tổng thống Nga vào năm 2024. Ông Tập cũng bày tỏ ủng hộ ông Putin tái đắc cử. "Tôi biết rằng cuộc bầu cử tổng thống Nga sẽ diễn ra vào năm tới. Sự phát triển của Nga đã được cải thiện đáng kể dưới sự lãnh đạo vững chắc của ông. Tôi tin rằng người dân Nga sẽ tiếp tục ủng hộ ông mạnh mẽ," ông Tập nhấn mạnh.
Nga và Trung Quốc nhất trí về mối quan hệ đối tác chiến lược "không giới hạn" hồi tháng 2/2022, khi Tổng thống Putin đến Bắc Kinh dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông, vài tuần trước khi Moscow mở chiến dịch ở Ukraine.
Hai bên sau đó nhiều lần khẳng định sức mạnh của mối quan hệ song phương. Kim ngạch thương mại hai nước năm 2022 vượt 190 tỷ USD, tăng 29,3% so với năm trước đó. Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất, bên xuất khẩu khí đốt qua đường ống lớn thứ hai và khí tự nhiên hóa lỏng lớn thứ tư của Trung Quốc.
Giới chuyên gia nhận định Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau hơn trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây ngày càng gia tăng. Nhiều quan chức phương Tây cho rằng quan hệ đối tác với Trung Quốc là một trong những yếu tố quan trọng giúp Nga chống chọi loạt lệnh trừng phạt chưa từng có.
Trung Quốc giữ quan điểm không lên án chiến dịch của Nga tại Ukraine. Bắc Kinh ngày 24/2 công bố tài liệu 12 điểm về xung đột Nga-Ukraine, trong đó kêu gọi các bên hỗ trợ Moscow và Kiev nối lại đối thoại giải quyết khủng hoảng. Kế hoạch này nhận được sự ủng hộ của Nga, song Ukraine và phương Tây đều tỏ ra thận trọng. Theo Reuters, Bắc Kinh được cho là đang nỗ lực đóng vai trò trung gian hòa giải xung đột Nga-Ukraine.
Lịch trình chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc chưa được công bố. Tuy nhiên, Trợ lý Điện Kremlin, Yuri Ushakov, đã hé lộ một số thông tin chính. Cụ thể tối ngày 21/3, cuộc gặp của phái đoàn Nga và Trung Quốc sẽ diễn ra tại Sảnh St. George của Điện Kremlin.
Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin. Rất nhiều quan chức cấp cao của Nga sẽ có mặt trong các cuộc họp cấp bộ trưởng, bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Nga, các bộ trưởng năng lượng, tài chính và giao thông, lãnh đạo tập đoàn năng lượng Rosatom và cơ quan hợp tác kỹ thuật - quân sự. Theo sau cuộc họp là lễ kí kết một số văn kiện song phương quan trọng.
Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập sẽ ký một tuyên bố chung về kế hoạch phát triển hợp tác kinh tế Nga - Trung đến năm 2030, và một tuyên bố chung làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.