Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tích cực xem xét miễn trừ lệnh trừng phạt Mỹ sẽ tái áp đặt vào tháng 11 tới đối với các nước giảm nhập khẩu dầu từ Iran.
Hồi tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), được ký kết năm 2015 và đơn phương áp đặt lệnh trừng phạt lên những nhà tiêu thụ dầu thô từ Iran. Các biện pháp tái áp đặt trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động sản xuất dầu mỏ của Iran sẽ có hiệu lực từ ngày 4/11 tới.
Vị quan chức cho biết chính quyền Tổng thống Trump đang trong những bước đầu xem xét các lệnh miễn trừ gọi là SRE, hay “miễn trừ giảm đáng kể” và chuẩn bị làm việc với các nước đang giảm nhập khẩu theo nguyên tắc cụ thể từng trường hợp.
Trong tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại Ấn Độ rằng Mỹ có thể xem xét miễn giảm đối với những nước mua dầu Iran chịu "dành chút ít thời gian" hạn chế thương mại với Tehran.
Trong khi đó, Cố vấn an ninh Nhà Trắng John Bolton ngày 4/10 cho biết mục tiêu của Mỹ là sẽ không có sự miễn giảm nào và buộc “xuất khẩu dầu khí hay sản phẩm hóa lỏng của Iran sẽ giảm xuống mức bằng 0”.
JCPOA ký giữa Iran và 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ cùng với Đức, quy định việc dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt Iran để đổi lấy việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân.
Bình luận trên được đưa ra sau thông tin Ấn Độ, nhà nhập khẩu dầu lớn thứ 2 của Iran sau Trung Quốc, sẽ mua 9 triệu thùng dầu của Tehran trong tháng 11. Đó là dấu hiệu chứng tỏ Ấn Độ sẽ tiếp tục mua dầu thô từ Iran bất chấp chính quyền Mỹ thúc đẩy các nước dừng giao dịch thương mại với Tehran.