Trước thềm G20 tại Hamburg, Đức Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstroem cho biết, các bộ trưởng (EU) và Nhật Bản đã giải quyết được các bất đồng còn lại giữa 2 phía trong việc đàm phán Hiệp định đối tác EU - Nhật Bản (EPA). Dự kiến, các nhà lãnh đạo sẽ xác nhận thỏa thuận này tại Hội nghị thượng đỉnh G20.
EPA được đàm phán từ năm 2013 nhưng các cuộc họp đã được đẩy mạnh kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ủng hộ chính sách bảo hộ mậu dịch. Với tỷ trọng 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, kim ngạch thương mại song phương là 144 tỷ USD, hiệp định giữa EU và Nhật Bản hứa hẹn là hiệp định thương mại tự do lớn nhất trong lịch sử. EPA, được ký kết sẽ là thông điệp mạnh mẽ đến Mỹ rằng, thương mại tự do vẫn rất quan trọng và một quốc gia không thể quá tập trung vào vấn đề nội bộ.
Junichi Sugawara, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Mizuho cho biết, thỏa thuận sẽ khiến các công ty Mỹ bất lợi ở thị trường Nhật Bản trước lợi thế cạnh tranh của các DN châu Âu trong các lĩnh vực tương tự, đặc biệt là khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ngoài ra, việc Mỹ rời TPP, từ chối tự do thương mại không chỉ đẩy EU và Nhật xích lại gần nhau mà vô tình đưa các nước phương Tây tích cực hợp tác hơn với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - Trung Quốc.
Trước thềm G20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa hoàn tất chuyến thăm và làm việc tại Đức. Theo giới chuyên gia, với chuyến thăm cấp cao thứ 2 tới Đức chỉ trong 3 năm cho thấy Bắc Kinh xác định, Berlin là một trong những đối tác quan trọng. Bên cạnh đó, Đức và Trung Quốc đều hưởng lợi từ tự do thương mại khi nằm trong top 3 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Tăng trưởng kinh tế Đức lại đến nhiều từ xuất khẩu nên việc 2 nước tích cực hợp tác dẫn dắt tự do thương mại không hề khó hiểu. Bà Angela Stanzel - nhà nghiên các vấn đề châu Á tại Hội đồng quan hệ quốc tế châu Âu cho rằng, Trung Quốc và Đức cùng chia sẻ quan điểm bảo vệ cho chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do toàn cầu. “Chính việc Mỹ theo đuổi chính sách bảo hộ thương mại đã giúp thay đổi vị thế của Trung Quốc tại châu Âu”, bà Stanzel nói thêm.
Nhiều chuyên gia dự đoán, G20 năm nay có thể thiết lập các cuộc chơi mới không có Mỹ và đánh dấu thời điểm thoái lui của Mỹ khỏi vị thế cường quốc khi nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ “cô đơn” trong lĩnh vực thương mại. Khối hợp tác Trung - Đức cũng thể hiện sự hợp tác ở lĩnh vực biến đổi khí hậu khi đều lên tiếng cam kết theo đuổi Thỏa thuận chống biến đối khí hậu Paris - thỏa thuận Mỹ vừa rút lui.