Nội dung công việc về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính (CCHC), “Năm kỷ cương hành chính 2017” và Kế hoạch 01 ngày 3/3/2017 của Ban Chỉ đạo 197 TP “về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm về trật tự ATGT, trật tự đô thị (TTĐT), trật tự cộng cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện”.
Nhiều chuyển biến trong kỷ cương hành chính
Tại xã Đại Hưng, đoàn ghi nhận chuyển biến tích cực trong thực hiện CCHC, nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC), song, trong quá trình triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 tại xã, cán bộ hướng dẫn còn gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền về CCHC, thực hiện Kế hoạch 01 chưa được thường xuyên, một số gia đình chưa tự giác tháo dỡ vi phạm…
Đối với thị trấn Đại Nghĩa, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về CCHC cũng được quan tâm thực hiện, từng bước nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, thực tế thủ tục hành chính (TTHC) được thực hiện qua DVCTT mức độ 3 chưa cao. Trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, TTĐT, thị trấn đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, song, vẫn còn một số hộ chưa chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Báo cáo với đoàn giám sát, lãnh đạo Huyện ủy-UBND huyện Mỹ Đức cho biết: Đến nay, việc thực hiện cải cách TTHC theo cơ chế Một cửa, MCLT trên địa bàn huyện từng bước đi vào nền nếp, hiệu quả. Tổng số 288 TTHC thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của UBND huyện và 147 TTHC thuộc thẩm quyền cấp xã đều được niêm yết công khai tại BPMC theo cơ chế MCLT. 3 tháng đầu năm, cấp huyện và cấp xã đều giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 100%.
Tuy nhiên, lãnh đạo huyện cũng thừa nhận, công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo một số xã, thị trấn còn bộc lộ yếu kém, gây bức xúc trong Nhân dân, tập trung ở một số lĩnh vực như đất đai, TTĐT… Việc triển khai Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 TP cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã triển khai tới cơ sở, song việc kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện chưa được quyết liệt.
Thực hiện “Năm kỷ cương hành chính” không dừng ở quận, phường
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đánh giá, từ sau bầu cử ĐB Quốc hội-ĐB HĐND TP năm 2016 đến nay, công tác lãnh đạo chỉ đạo của huyện có nhiều đổi mới, CB, CC thay đổi tinh thần thái độ làm việc, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, công tác CHHC chuyển biến tích cực... Mặc dù vậy, trình độ năng lực CB, CC từ huyện đến xã so với mặt bằng chung của TP còn nhiều yếu kém, trình độ dân trí hạn chế, chính là lực cản phát triển tại huyện. Trong khi, nguồn lực cho đầu tư phát triển của huyện còn nhiều khó khăn.
“Trong quá trình phát triển sẽ tiếp tục phát sinh nhiều phức tạp, về tôn giáo, quản lý đô thị, ảnh hưởng đến CCHC... Vì vậy tới đây, trong công tác cán bộ, huyện cần quan tâm đào tạo năng lực chuyên môn, thái độ tác phong làm việc. Dù yêu cầu về ứng dụng CNTT tại ngoại thành không đòi hỏi cao như ở quận, nhưng phải xác định đó là điều kiện cần thiết để phục vụ người dân. Đặc biệt, việc thực hiện “Năm kỷ cương hành chính” không chỉ dừng ở các quận, phường mà phải đồng bộ tới tận xã. Đồng thời, Mỹ Đức cũng phải xây dựng nề nếp văn hoá công sở nơi làm việc", đồng chí nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Bí thư Thành ủy, hàng năm Hà Nội đều triển khai lấy ý kiến đánh giá cán bộ, nên tại Mỹ Đức, công tác này cũng cần đi vào thực chất. Trong đó, cần có quy chế lấy ý kiến người dân, nơi nào họ kêu ca thì trước hết phải quy trách nhiệm cho người đứng đứng đầu, sau đó mới là cấp phó và cán bộ. Công tác đánh giá, sử dụng cán bộ tại huyện nhiều năm chưa chuẩn nên giờ cần rút kinh nghiệm. Đồng thời, công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận của người dân cần được huyện hết sức coi trọng…, sao cho “tiếng lành đồn xa”. Đặc biệt, với các sự việc nổi cộm trên địa bàn, cần theo phương châm kiên trì, đồng bộ, linh hoạt và đúng pháp luật.