Tại hội thảo, ban cố vấn là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp đã tư vấn cho nông dân các phương pháp phòng trừ bệnh cho cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Đồng thời, hướng dẫn nông dân áp dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao hiệu quả kinh tế trên 1 hecta đất canh tác. Lãnh đạo huyện Mỹ Đức cũng giải đáp các câu hỏi của nông dân các câu hỏi liên quan đến các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn.Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết, xác định sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, thời gian qua huyện luôn chú trọng, ưu tiên cho phát triển vùng lúa chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học và xây dựng các mô hình chuyển đổi.
Chỉ tính riêng vụ Xuân 2017, Mỹ Đức đã xây dựng 4 mô hình sản xuất lúa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, gồm: Mạ khay máy cấy, cấy lúa hiệu ứng hàng biên, khảo nghiệm giống lúa mới và cơ giới hóa đồng bộ. Nhờ đó, năng suất lúa vụ Xuân 2017 của huyện đạt 69,3ha, cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, huyện đang triển khai hỗ trợ đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn với tổng diện tích 47ha tại xã Lê Thanh. Hỗ trợ hóa chất khử trùng, hệ thống làm giàu oxi, tiêu độc môi trường ao nuôi diện tích 150ha cho các xã: Hợp Thanh, Tuy Lai, An Tiến, An Phú.Liên quan đến chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, quy mô lớn ngoài khu dân cư, huyện Mỹ Đức sẽ hỗ trợ 4.000 con (lợn, bò); xây dựng công trình xử lý chất thải trong chăn nuôi đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn môi trường theo quy định, mức hỗ trợ tối đa không quá 300.000 đồng/đầu gia súc. Tổng mức kinh phí huyện hỗ trợ thực hiện chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn năm 2017 đạt gần 5 tỷ đồng.