Bắc Kinh đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền phi lý tại Biển Đông, tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới với khoảng 5 nghìn tỷ USD hàng hóa lưu thông qua mỗi năm.
Tháng 7 năm nay, Tòa Trọng tài thường trực tại The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết bác bỏ cái gọi là “chủ quyền lịch sử” mà Trung Quốc nêu ra. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã tuyên bố không chấp nhận phán quyết này.
Trong bài phát biểu tại Sydney, Australia, Đô đốc Harry Harris, Hạm đội Thái Bình Dương cho biết, Washington đã kêu gọi Bắc Kinh phải tôn trọng phán quyết của Tòa thường trực nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục hành động một cách “hung hăng” tại Biển Đông.
Người đứng đầu Hạm đội Thái Bình Dương khẳng định, Mỹ sẽ không cho phép một vùng biển quốc tế bị “đóng” lại đơn phương. “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác nhưng sẽ không ngại đối đầu”, Đô đốc Harry Harris nói.
Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc, Trung Quốc đã cải tạo trái phép 1.300 ha đất của 7 thực thể trong khu vực Biển Đông trong 3 năm qua, bao gồm các công trình đường băng, garar máy bay và các thiết bị liên lạc. Một số công trình trái phép được cho là có thể sử dụng cho mục đích quân sự.
Đáp lại, Mỹ đã thực hiện một loạt các cuộc tuần tra nhằm thực thi quyền tự do hàng hải, hàng không ở khu vực.