Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ: “Ngày hàn gắn và hành động quốc gia” kêu gọi chấm dứt thù hận đối với người gốc Á

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Mỹ, nhiều sự kiện đã được tổ chức trong “Ngày hàn gắn và hành động quốc gia” nhằm kêu gọi chấm dứt các hành động bạo lực đối với người Mỹ gốc Á.

Hưởng ứng sáng kiến “Ngày hàn gắn và hành động quốc gia”, tối 26/3 tại TP New York, tòa nhà Empire State ở Manhattan được thắp sáng với hai màu đen và vàng. Sự kiện này diễn ra chỉ một ngày sau khi lực lượng cảnh sát New York công bố các sáng kiến ​​mới nhằm chống lại các cuộc tấn công chống người châu Á, bao gồm việc cử các sĩ quan an ninh đến các khu vực có đông người châu Á.
Mỹ kêu gọi hàn gắn và hành động chấm dứt thù hận nhằm vào người gốc Á. Ảnh: Reuters
Đây là một trong nhiều sự kiện được tổ chức trong “Ngày hàn gắn và hành động quốc gia”  nhằm kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng chấm dứt các hành động bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á.
“Ngày hàn gắn và hành động quốc gia” là sáng kiến của nghị sỹ bang New York Grace Meng và  thành viên quốc hội bang California Evan Low, đưa ra sau khi xảy ra các vụ xả súng ở TP Atlanta, bang Georgia, khiến 8 người chết, trong đó 6 người là phụ nữ gốc Á, cùng với hàng loạt các vụ tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á ở nhiều TP lớn khác trong thời gian vừa qua.
Sáng kiến trên khuyến khích những người tham gia sử dụng hashtag “StopAsianHate” (chấm dứt thù hận đối với người châu Á) trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhằm nâng cao tinh thần và nâng cao nhận thức của những người theo dõi họ về chủ nghĩa chống phân biệt chủng tộc đối với người châu Á.
Sự kiện này được tổ chức đúng ngày Đạo luật Nhập tịch ban đầu của Mỹ được ký thành luật vào năm 1790, theo đó cấm những người không phải da trắng trở thành công dân của Mỹ.
Cùng với việc thắp sáng tòa nhà Empire State, các sự kiện trực tuyến cũng được tổ chức với sự chủ trì của các nhà lãnh đạo và tổ chức người Mỹ gốc Á.
"Ngày hàn gắn và hành động quốc gia" kết thúc với một lễ cầu nguyện trên toàn thế giới cho các nạn nhân trong vụ xả súng ở bang Georgia, do Hiệp hội Người Mỹ gốc Hàn ở Greater Atlanta tổ chức và được truyền hình trực tuyến.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, tỷ lệ các vụ tấn công thù hận nhằm vào người Mỹ gốc Á tăng vọt.
Báo cáo của Stop AAPI Hate - tổ chức chuyên tổng hợp các vụ việc chống lại người Mỹ gốc Á, cho biết kể từ khi bùng phát đại dịch, tổ chức này đã tiếp nhận báo cáo về 3.795 vụ kỳ thị đối với người châu Á trên toàn nước Mỹ. Các hình thức kỳ thị gồm: Lăng nhục, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến, vi phạm quyền công dân.
“Số vụ kỳ thị được báo cáo chỉ chiếm một phần nhỏ so với số vụ xảy ra trên thực tế. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy người Mỹ gốc Á dễ bị phân biệt đối xử như thế nào và các kiểu kỳ thị mà họ phải đối mặt. Vụ tấn công tại Atlanta càng khoét sâu thêm nỗi sợ hãi và nỗi đau mà cộng đồng người Mỹ gốc Á đang phải gánh chịu”, báo cáo của Stop AAPI Hate nhấn mạnh.
Theo NBC News, các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào các cá nhân người Mỹ gốc Á đã tăng gần 150% năm ngoái ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở Los Angeles và New York, những nơi có đông người gốc Á sinh sống.
Ngày 18/3, NBC News dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông thấu hiểu được sự lo lắng của cộng đồng người Mỹ gốc Á. “Cho dù động cơ là gì, tôi biết rằng những người Mỹ gốc Á đang lo lắng. Tôi đang nói về sự tàn bạo nhằm vào người Mỹ gốc Á. Điều đó rất đáng quan ngại”, Tổng thống Biden nhấn mạnh.
Trước đó, trong bài phát biểu đánh dấu một năm nước Mỹ phải đối mặt với đại dịch hôm 11/3, Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng những người Mỹ gốc Á “đang ở tuyến đầu chống đại dịch này, họ nỗ lực cứu sống mọi người nhưng họ vẫn buộc phải sống trong nỗi sợ hãi về tính mạng khi đi bộ xuống đường ở Mỹ”.
Người đứng đầu Nhà Trắng đã gọi các hành động tấn công, quấy rối, chỉ trích và đổ lỗi cho người Mỹ gốc Á về dịch Covid-19 là “không đúng chất Mỹ, sai trái và phải chấm dứt”.
Tổng thống Biden lên án những người đã sử dụng đại dịch như một cái cớ để gây thù hận và chia rẽ đất nước vào thời điểm nước Mỹ cần hàn gắn.