Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran, EU kích hoạt "luật phong tỏa" bảo vệ doanh nghiệp

Nguyễn Phương (Theo AP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên minh châu Âu vừa kích hoạt "quy chế phong tỏa" để bảo vệ các công ty châu Âu khỏi tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Gần như ngay lập tức sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran, Liên minh châu Âu (EU) đã kích hoạt điều luật phòng vệ hay còn gọi là “luật phong toả” nhằm trả đũa quyết định từ phía Mỹ.
Trong một tuyên bố chung, Đại diện cấp cao của EU phụ trách đối ngoại, Federica Mogherini và ngoại trưởng các nước Pháp, ông Jean-Yves Le Drian, Đức - Heiko Maas, và Anh- Jeremy Hunt, bày tỏ sự thất vọng đối với quyết định tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran của Mỹ. “Thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn có tên gọi khác là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), đang được thực hiện hiệu quả, đảm bảo việc duy trì hòa bình trong khu vực Trung Đông", tuyên bố chung cho biết.
  Đại diện cấp cao của EU phụ trách đối ngoại, bà Federica Mogherini. 
Ủy ban châu Âu (EC) nói rằng mặc dù các biện pháp cấm vận kinh tế mà Mỹ đang và sẽ áp đặt, các công ty châu Âu sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh hợp pháp tại Iran dưới sự bảo vệ từ Brussels.
“Việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran là một phần quan trọng trong thỏa thuận hạt nhân, nó nhằm mang lại tác động tích cực không chỉ đối với quan hệ thương mại và kinh tế với Iran mà còn cả cuộc sống của người dân Iran. Chúng tôi quyết tâm bảo vệ các đơn vị kinh tế đang hoạt động hợp pháp với Iran, tuân thủ luật pháp của châu Âu và nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc số 2231”, tuyên bố của EC cho biết.
Ủy ban điều hành của EU cho biết, "quy chế phong tỏa" sẽ có hiệu lực vào từ ngày 7/8. Cơ chế này sẽ ngăn các công ty châu Âu tuân thủ theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ, trừ khi được sự cho phép của Ủy ban châu Âu.
Nội dung chính của điều luật này là cấm tất cả các công ty châu Âu tuân thủ các lệnh trừng phạt có hiệu lực liên lãnh thổ từ phía Mỹ, tức là một công ty châu Âu sẽ bị trừng phạt nếu như rút khỏi các dự án kinh tế với Iran do sức ép từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Đồng thời, một điều khoản quan trọng khác của điều luật này là việc các công ty châu Âu sẽ được bù đắp thiệt hại gây ra do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Mức độ bù đắp thiệt hại sẽ do một thẩm phán châu Âu quyết định.
Đây được xem là phản ứng mạnh mẽ mà châu Âu muốn gửi đến chính quyền Mỹ của Tổng thống Trump, nhằm phản đối chính sách đơn phương và độc đoán của Mỹ trong vấn đề hồ sơ hạt nhân Iran.
Vòng đầu tiên của lệnh trừng phạt mà Mỹ thiết lập trở lại đối với Iran sẽ bắt đầu được áp dụng trong ngày 7/8, và các hình thức cấm vận nghiêm khắc nhất sẽ được thực hiện trong vòng 90 ngày tới.
Động thái này diễn ra sau khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ cùng các nước gồm Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc đã cùng ký kết với Iran vào năm 2015.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần