Nữ phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc Nhà Trắng Caitlin Hayden ngày 29/8 thông báo Washington đã có các bước đi bổ sung nhằm duy trì áp lực đối với Chính phủ Iran liên quan tới vấn đề hạt nhân, khủng bố và việc tuân thủ các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, bà Hayden cũng nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) để xây dựng một giải pháp dài hạn và toàn diện cho chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.
Gói trừng phạt mới của Mỹ lần này bao gồm hơn 25 lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính nhằm vào nhiều cá nhân và thực thể, trong đó bao gồm các công ty vận chuyển và dầu lửa, ngân hàng và hãng hàng không.
Song song với đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng công bố một loạt các đòn trừng phạt riêng rẽ đối với những đối tượng bị Washington cho là liên quan tới ngành năng lượng Iran. Theo đó, các đối tượng thuộc diện trừng phạt sẽ bị đóng băng tải sản trên đất Mỹ và cấm trao đổi buôn bán với công dân nước này.
Tuyên bố trên của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran ngày 27/8 thông báo nước này đã tiến hành các cuộc thử nghiệm "cơ khí" đối với một máy làm giàu urani hiện đại mới. Phía Iran nhấn mạnh căn cứ vào thỏa thuận Geneva, thì hoạt động nghiên cứu và phát triển như vậy không bị hạn chế.
Theo thỏa thuận hạt nhân tạm thời giữa Tehran và nhóm P5+1 hồi cuối tháng 11/2013, Iran không được phép đi xa hơn hoạt động nghiên cứu và phát triển máy ly tâm đang tiến hành ở Natanz. Đây là một trong những vấn đề hóc búa nhất trong các cuộc đàm phán về thực thi thỏa thuận tạm thời trên. Thỏa thuận trên có hiệu lực từ ngày 20/1/2014 và hai bên tiếp tục đàm phán hướng tới một thỏa thuận toàn diện trong vòng sáu tháng.
Sau sáu tháng đàm phán, Iran và nhóm P5+1 đã nhất trí kéo dài cuộc đàm phán đến ngày 24/11 tới do còn nhiều bất đồng liên quan đến chương trình làm giàu urani, lò phản ứng nước nặng Arak của nước này và một số vấn đề liên quan đến các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Dự kiến, hai bên sẽ quay lại bàn đàm phán vào tháng Chín ở New York, Mỹ.
Một nhà máy sản xuất dầu và khí đốt của Iran. Ảnh minh họa.
|