Tinh chung trong tuần, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ và dầu Brent Biển Bắc diễn biến trái chiều nhau.
Trong phiên giao dịch ngày 19/8, giá dầu tăng mạnh khi chứng khoán Mỹ tiếp tục phục hồi và do ảnh hưởng từ vụ tấn công cơ sở sản xuất của Ả Rập Saudi. Nhóm phiến quân Houthi của Yemen đã phát động một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào cuối tuần trước đó tại mỏ dầu Shaybah, một trong những mỏ dầu lớn nhất Ả Rập Saudi.
Giá “vàng đen” tiếp tục tăng nhẹ vào ngày 20/8, trong đó dầu WTI tăng 3 phiên liền trước khi dữ liệu về dự trữ dầu thô của Mỹ được công bố.
Sang phiên giao dịch ngày 21/8, giá dầu WTI tương lai quay đầu giảm nhẹ sau khi dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy nguồn cung dầu thô nội địa có tuần sụt giảm đầu tiên trong 3 tuần, nhưng thấp hơn so với dự báo của thị trường.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm 21/8 cho biết, nguồn cung dầu thô nội địa giảm 2,7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/8, thấp hơn so với dự báo sụt 3,5 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API) và dự báo giảm 3,1 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Đến phiên giao dịch ngày 22/8, giá dầu tiếp tục đi xuống do chịu sức ép từ dự báo nguồn cung dư thừa, khi nền kinh tế và nhu cầu năng lượng chuyển sang tập trung chú ý vào ngày đầu tiên của cuộc họp chính sách kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Jackson Hole ở Wyoming.
Giá “vàng đen” lao dốc mạnh trong phiên ngày 23/8, sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế quan trả đũa lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ, trong đó lần đầu tiên có dầu thô - động thái làm gia tăng lo ngại về sức khỏe nền kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Trao đổi với trang MarketWatch, nhà phân tích dầu mỏ Marshall Steeves thuộc IHS Markit nhận xét: “Việc Trung Quốc áp thuế quan lên 75 tỷ USD hàng Mỹ không phải là một quyết định bất ngờ, khi xét đến sự leo thang của thương chiến thời gian qua. Tuy nhiên, việc Trung Quốc áp thuế lên dầu thô Mỹ có ảnh hưởng trực tiếp đến giá dầu WTI".
Theo ông Michael Tran - giám đốc chiến lược năng lượng tại RBC Capital ở New York, các đòn thuế “ăn miếng trả miếng” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện đã được bổ sung thêm mặt hàng dầu mỏ. “Mỹ - nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, sẽ phải tìm khách hàng khác để thay thế Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, điều này sẽ là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh nhu cầu đối với năng lượng toàn cầu đang suy yếu.
Theo kế hoạch được Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố ngày 23/8, thuế quan 5-10% sẽ áp lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ chia làm hai đợt, một đợt bắt đầu từ ngày 1/9 và một đợt bắt đầu từ ngày 15/12. Trong đó, dầu thô Mỹ sẽ bị áp thuế bổ sung 5% nếu nhập khẩu vào Trung Quốc từ ngày 1/9.
Chốt phiên ngày 23/8, giá dầu thô WTI giao tháng 10 giảm 1,18 USD/thùng, tương đương giảm 2,1%, còn 54,17 USD/thùng. Tính cả tuần, giá dầu WTI sụt 1,2%.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10 hạ 0,58 USD/thùng, tương đương giảm 1%, còn 59,34 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung trong tuần giá dầu Brent lại tăng 1,2%.
"Sự biến động nhanh chóng của giá năng lượng phản ánh mối quan hệ xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như tác động từ diễn biến này có thể tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu”, ông Matt Smith, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa cơ bản thuộc ClipperData, đánh giá.
Xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang Trung Quốc trong tháng 8 này đạt mức cao nhất trong 1 năm, khoảng gần 300.000 thùng/ngày. Chuyên gia Smith nhấn mạnh, kế hoạch tăng thuế của Trung Quốc được công bố giữa lúc một số tàu chở dầu thô Mỹ chuẩn bị cập bến Trung Quốc.
"Theo quan điểm của tôi, việc áp thuế này nằm ngoài dự báo.", nhà phân tích năng lượng Steward Glickman thuộc CFRA Research nhận xét. Ngoài ra, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc là "tin tiêu cực đối với triển vọng nhu cầu dầu mỏ tại các nền kinh tế mới nổi, vốn chiếm phần lớn sự gia tăng nhu cầu trên thị trường toàn cầu được dự báo cho năm 2020".
Đầu tháng này, ông Trump tuyên bố áp thuế bổ sung 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Sau động thái trả đũa ngày 23/8 của Trung Quốc, ông Trump tuyên bố tăng thuế trừng phạt đối với toàn bộ 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ mỗi năm.
Những biện pháp thuế quan "ăn miếng trả miếng" liên tiếp này được giới phân tích dự báo có thể gây sức ép giảm giá mạnh lên thị trường năng lượng trong tuần tới.
Bên cạnh đó, các nhà giao dịch dầu mỏ còn thất vọng khi Chủ tịch FED Jerome Powell trong bài phát biểu ngày 23/8 không đưa ra cam kết nào về đẩy nhanh tiến độ hạ lãi suất.
Nhà phân tích cấp cao Edward Moya thuộc Oanda nhấn mạnh rằng "sự thiếu cam kết của FED về kế hoạch cắt giảm lãi suất mạnh mẽ" đặt ra thêm rủi ro cho triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu.
"Chủ tịch Powell để ngỏ khả năng có thêm biện pháp kích cầu, nhưng không nhanh và mạnh như những gì thị trường kỳ vọng", nhà phân tích Moya nói. "Giá dầu sẽ khó phục hồi trong thời gian tới, bởi rủi ro gia tăng đối với kinh tế toàn cầu và sự trì hoãn các biện pháp kích thích kinh tế Mỹ sẽ làm suy yếu các dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu", ông Moya nói thêm./.