Thời gian gần đây, chính quyền Trung Quốc đã có các động thái gia tăng căng thẳng tại Biển Đông với một số nước láng giềng Đông Nam Á và đang cố gắng củng cố yêu sách về chủ quyền lãnh thổ bằng cách xây dựng trái phép các đảo nhân tạo.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông.
|
Theo một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ, chính quyền Washington đang chuẩn bị một kế hoạch tuần tra những hòn đảo này, chậm nhất là trong tuần tới. Các tàu của Mỹ, gồm cả tàu chiến sẽ tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Động thái này nhằm chứng minh cho phía chính quyền Bắc Kinh rằng, chính phủ Mỹ không thừa nhận khu vực lãnh hải mà phía Trung Quốc tự ý “vẽ” ra.
Trong khi đó, sau cuộc họp thường niên kéo dài 2 ngày tại Boston, Mỹ, ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc phòng 2 nước đã tuyên bố, tiếp tục ủng hộ tự do, an ninh hàng hải và cử các tàu cùng phi cơ tới tuần tra vùng biển quốc tế trong khu vực.
"Lãnh đạo Australia và Mỹ đều mong muốn duy trì kiến trúc an ninh đem lại thịnh vượng chung cho các nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông Ash Carter - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ nói. Ông cho biết, cam kết này của Mỹ được chia sẻ bởi các đồng minh khu vực như Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ.
Bà Julie Bishop - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Australia cho biết, quan chức cấp cao 2 nước có chung quan điểm về vấn đề chủ quyền quốc gia trên biển. “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên không có những hành động đơn phương gia tăng căng thẳng," bà nói. Nữ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng bày tỏ sự ủng hộ với các nguyên tắc tự do hàng hải và tự do hàng không.
Vào thứ Bảy, người đại diện chính quyền Trung Quốc tuyên bố, hoàn thành hai ngọn hải đăng ở 2 đảo Châu Viên và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam.
Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, nước này sẽ không quân sự hóa các công trình mới xây dựng, nhưng hình ảnh vệ tinh cho thấy các đường băng mà có thể được sử dụng cho các máy bay quân sự.