Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2010, xuất khẩu dệt may sẽ đạt 11 tỷ USD

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hoa Kỳ vẫn là thị trường tiêu thụ mạnh nhất, chiếm khoảng 50% xuất khẩu dệt may của Việt Nam và tháng Mười cũng tăng trưởng trên 20%.

KTĐT - Hoa Kỳ vẫn là thị trường tiêu thụ mạnh nhất, chiếm khoảng 50% xuất khẩu dệt may của Việt Nam và tháng Mười cũng tăng trưởng trên 20%.

Với kết quả xuất khẩu 10 tháng là 9,166 tỷ USD cùng với đơn hàng đã ký kết thì kim ngạch xuất khẩu năm 2010 của ngành dệt may sẽ đạt 11 tỷ USD, vượt 500 triệu USD so với kế hoạch đề ra.

Ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may (Vitas) cho biết như trên tại buổi giao ban xuất nhập khẩu do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay, 26/10.

Trong 10 tháng qua, tốc độ tăng trưởng của ngành dệt may vẫn duy trì ở mức cao, hầu hết các thị trường chủ lực đều có mức tăng trưởng từ 5-20%, như EU từ tháng Chín và tháng Mười đều tăng trưởng trên 7%; Nhật Bản tăng 14,7% và Nga tăng trên 5%...

Hoa Kỳ vẫn là thị trường tiêu thụ mạnh nhất, chiếm khoảng 50% xuất khẩu dệt may của Việt Nam và tháng Mười cũng tăng trưởng trên 20%.

Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao kéo theo chi phí sản xuất tăng theo, nhưng bốn tháng liền xuất khẩu dệt may đều đạt trên 1 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Sơn, hiện các doanh nghiệp dệt may đều có đơn hàng đến hết năm, thậm chí đến hết quí I năm 2011.

Bên cạnh đó, do tác động của Hiệp định tự do thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN nên xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Hàn Quốc đã có mức tăng ấn tượng, trên 80%. Đây là thành công trong đàm phán của Việt Nam với Hàn Quốc, khâu cắt và may được hưởng thuế ưu đãi.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp dệt của Italy đang muốn chuyển dịch sang Việt Nam đầu tư trong lĩnh vực dệt, nhuộm, là thời cơ lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam phát triển thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cảnh báo xu thế dồn đơn hàng giá rẻ từ Trung Quốc sang Việt Nam, dù đem lại nhiều đơn hàng hơn nhưng cũng là những thách thức cho các doanh nghiệp trong nước.

Bởi việc chuyển dịch đơn hàng này xuất phát từ việc chi phí lao động tăng cao, kèm theo những hạn chế về tiêu thụ điện năng trong các nhà máy cỡ nhỏ đã khiến các doanh nghiệp của Trung Quốc chuyển dịch đơn hàng giá rẻ sang Việt Nam.

Trong khi đó, mức chi phí lao động của Việt Nam cũng đang tăng lên rất cao, từ mức bình quân 2 triệu đồng năm 2009 thì sang 2010 các doanh nghiệp phải trả lương từ 3-3,5 triệu đồng mới giữ chân được người lao động.

“Hiện Trung Quốc đang tập trung vào các đơn hàng có giá trị xuất khẩu cao nên cần lưu ý khi tiếp nhận các đơn hàng giá rẻ vì về lâu dài Việt Nam không thể sản xuất hàng giá rẻ được,” ông Sơn khuyến cáo.

Làm rõ hơn điều này, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, bình quân mỗi tháng toàn ngành dệt may xuất khẩu trên 1 tỷ USD, nhưng với cơ cấu mặt hàng xuất khẩu hiện nay thì cần phải hết sức lưu ý. “Nếu Việt Nam dồn sức vào sản xuất hàng giá rẻ mà nhân công nhiều thì lâu dài hiệu suất xuất khẩu sẽ giảm sút,” ông nhấn mạnh.

Với mục tiêu đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trên 19 tỷ USD; năm 2020 từ 25-27 tỷ USD, Hiệp hội dệt may Việt Nam cũng cho biết, ngành đang tích cực triển khai phát triển các chương trình lớn là sản xuất 1 tỷ mét vải xuất khẩu, phát triển cây bông và cây có sợi để tăng cường tỷ lệ nội địa hóa, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực ngành dệt may đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.