Kinhtedothi - Ngày 27/12, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố những số liệu thống kê chính thức về kinh tế - xã hội năm 2014. Theo đó tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 tăng 5,98% - cao nhất kể từ năm 2011.
Ghi nhận đà phục hồi
Dữ liệu thống kê cũng cho thấy đây cũng là năm đầu tiên sau ba năm, GDP hoàn thành vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (mục tiêu năm nay là 5,8%). Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2014 tăng 4,09%, mức tăng khá thấp trong 10 năm trở lại đây. Đây là những dấu hiệu quan trọng cho thấy những tín hiệu phục hội của nền kinh tế cũng như hiệu quả trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Ảnh minh họa
Cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, các lĩnh vực nông, lâm, thủy hải sản, sản xuất công nghiệp cũng ghi nhận những chuyển dịch tích cực cũng như mức tăng trưởng khá. Riêng ngành công nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 7,6%, cao hơn nhiều mức tăng 5,6% của năm ngoái với xu hướng tăng nhanh vào các tháng cuối. Một số ngành có chỉ số sản xuất năm tăng cao như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, điện thoại di động, sản xuất xe có động cơ, sản xuất da giày... Ở chiều ngược lại tốc độ tăng của chỉ số tồn kho có xu hướng giảm. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/12/2014 tăng 10% so với cùng thời điểm năm 2013, thấp hơn mức 20,1% hồi năm 2012 và 10,2% năm 2013.
Năm 2014, cũng ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt 150 tỷ USD (tăng 13,6% so với năm 2013) trong khi đó nhập khẩu đạt 148 tỷ USD. Như vậy, mặc dù năm 2014 được đánh giá tiếp tục là năm khó khăn trong lĩnh vực sản xuất nhưng mức xuất siêu hàng hóa vẫn đạt khoảng 2 tỷ USD.
Và những tác động tích cực
Chia sẻ tại buổi họp báo, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, năm 2014 cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực của nền kinh tế có thêm gần 75 ngàn DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 432 ngàn tỷ đồng (mặc dù giảm 2,7% về số DN nhưng tăng 8,4% về số vốn đăng ký so với năm 2014). Năm 2014 cũng ghi nhận tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động đã giảm đáng kể xuống còn 2,45% (thấp hơn mức 2,74% của năm 2012 và 2,75% năm 2013). Bên cạnh đó, năng suất lao động cũng đã được tăng lên khoảng 4,3% si với năm 2013 không chỉ giúp thu dần khoảng cách về năng suất lao động của một số nước trong khu vực mà còn giúp cải thiện thu nhập người lao động. Theo đó, năng suất lao động xã hội năm 2014 theo giá hiện hành của toàn nền kinh tế ước tính đạt 74,3 triệu đồng/lao động (tương đương 3.515 USD/lao động).
Năm 2014 cũng ghi nhận mức vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện đạt hơn 1.220,7 ngàn tỷ đồng (tăng 11,5% so với năm 2013 và bằng 31% GDP). Cả nước cũng đã thu hút hơn 20 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI (trong đó đã thực hiện giải ngân đạt 12,4 tỷ USD.
Trước những diễn biến của nền kinh tế thế giới cũng như việc Việt Nam chính thức gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015, ông Nguyễn Bích Lâm nhận định, kinh tế Việt Nam năm 2015 vẫn chịu những thách thức lớn từ việc giảm giá nhiên liệu trên thị trường thế giới, năng lực cạnh tranh của các DN cũng như năng suất lao động trong nước còn yếu trước yêu cầu hội nhập, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế còn chập, cầu thấp, cán cân thương mại còn mong manh… Tuy nhiên, với những kết quả đạt được trong năm 2014, việc triển khai quyết liệt các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô, kinh tế Việt Nam năm 2015 dự báo hoàn toàn cán đích mục tiêu tăng trưởng 6,2% mà Quốc hội đề ra.