Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2014: Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 5,6%

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ADB, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng nhẹ, đạt mức 5,6% trong năm 2014 và tăng lên mức 5,8% trong năm 2015. Trong khi đó, lạm phát được kỳ vọng giữ ở mức bình quân 6,2% trong năm 2014.

Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Dominic Mellor nêu các dự báo nói trên trong buổi họp báo công bố Báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2014 do ADB tổ chức ngày 1/4 tại Hà Nội.

Một số chỉ số kinh tế tích cực

Nhận định của đại diện ADB dựa trên tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, khi GDP quý I/2014 tăng trưởng xấp xỉ 5%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2013, hơn nữa, tình hình sản xuất chế tạo đầu năm, dấu hiệu ban đầu từ chỉ số quản lý mua hàng trong tháng 2 cho thấy sản lượng tiếp tục tăng…

Cũng theo ông Dominic Mellor, lạm phát được kỳ vọng giữ ở mức bình quân 6,2% trong năm 2014, với giả định rằng sản lượng lương thực tương đối ổn định và Chính phủ Việt Nam áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế ở mức vừa phải; VND được điều chỉnh tỷ giá nhẹ; chưa có sự tăng giá đột ngột đối với những hàng hóa và dịch vụ được trợ giá.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Lạm phát được dự báo sẽ ở mức bình quân 6,6% trong năm 2015 khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn.

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế sẽ đi theo chiều hướng tích cực nhờ vào một số biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đưa ra nhằm giảm nhẹ rủi ro trong khu vực ngân hàng, bao gồm việc mua một số lượng đáng kể nợ xấu thông qua VAMC, tăng cường giám sát hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại, sáp nhập và tái cơ cấu một số ngân hàng yếu kém.

Đồng thời, việc nới lỏng những quy định hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng trong nước và áp dụng các quy định mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế là hướng đi rất đúng đắn.

Khuyến nghị đẩy mạnh cải cách

Với các ý kiến băn khoăn về bẫy thu nhập trung bình, ông Tomoyuki Kimura cho rằng, Việt Nam chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình, vì các thông số tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế khó khăn nói chung hiện nay không phải là thấp. Việt Nam có tiềm năng đạt được mức tăng trưởng cao hơn nhờ cải cách.

Tuy nhiên, đại diện ADB cũng lưu ý, nếu Việt Nam không đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), hệ thống tài chính ngân hàng và đầu tư công thì vẫn có khả năng rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

Về vấn đề nợ xấu, ông Tomoyuki Kimura cũng đánh giá cao các chuẩn mực mới về phân loại nợ và dự phòng nhằm tiệm cận các chuẩn mực quốc tế dự kiến có hiệu lực vào tháng 6/2014. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, cần đặt ra các chỉ tiêu cụ thể và thời hạn để thu hẹp khoảng cách giữa quy định của quốc gia với các chuẩn mực quốc tế.

Về tiến trình cải cách, ADB cũng cho rằng việc Chính phủ thông qua Luật Đấu thầu mới, mở rộng phạm vi áp dụng đối với cả các DNNN sẽ giúp nâng cao trách nhiệm giải trình và quản lý của các DNNN.

Ngoài ra, Luật Đất đai sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2014 sẽ cải thiện tính minh bạch trong quản lý đất đai. Nếu được thực hiện tốt, Luật Đất đai mới sẽ giúp giảm thiểu tình trạng tranh chấp và chậm trễ trong các dự án hạ tầng cơ sở.

ADB cũng nhận định về khả năng phương thức đầu tư theo hình thức đối tác Nhà nước-tư nhân (PPP) sẽ được coi là cách tiếp cận hữu hiệu để xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất và xã hội, mang lại lợi ích cho người dân.

Cho đến nay, mức độ đầu tư của tư nhân vào các kết cấu hạ tầng trọng yếu vẫn còn hạn chế. Hơn nữa, hình thức đầu tư PPP vốn được ưa chuộng từ trước đến nay ở Việt Nam thường khác xa so với thông lệ chuẩn mực của quốc tế, và phần lớn các dự án PPP đều không áp dụng cơ chế đấu thầu cạnh tranh.

Tuy nhiên, ADB đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý thống nhất để các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các giao dịch PPP diễn ra.