KTĐT - Bộ Xây dựng đang tổ chức lấy ý kiến hoàn chỉnh Dự thảo chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, trước khi trình Chính phủ phê duyệt trước ngày 14.2.2011.
Theo chiến lược này, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu đến năm 2015, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt mức 21,5m2 sàn/người. Đây là bước quan trọng trước một vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống người dân, được đông đảo người dân quan tâm.
Thị trường nhà ở thiếu minh bạch
Theo Bộ Xây dựng, chỉ tính trong 10 năm gần đây (từ 2000-2009), với tốc độ đô thị hóa nhanh, cả nước đã phát triển thêm khoảng 706 triệu mét vuông nhà ở (bao gồm cả nhà cải tạo và xây dựng mới). Bình quân mỗi năm, cả nước xây dựng được hơn 70 triệu mét vuông nhà ở, với diện tích bình quân đầu người là khoảng hơn 16,7m2/người. Cùng với phát triển nhà ở, VN cũng đảm bảo phát triển đồng thời với việc xây dựng đồng bộ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, trường học, nhà trẻ với khoảng hơn 2.500 DA đã và đang được triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, lĩnh vực quản lý và phát triển nhà ở đang xuất hiện nhiều vướng mắc, tồn tại. Từ năm 1991, Nhà nước đã đưa tiền nhà ở vào tiền lương để người làm công ăn lương tự chủ trong việc tạo lập chỗ ở cho bản thân và gia đình. Nhưng với cơ cấu tiền nhà ở tính trong tiền lương mới đạt từ 8- 10%, trong khi giá cả ngày càng tăng cao, chi phí cho nhà ở ngày càng lớn so với mức tiền lương thực tế được chi trả. Chính sách ưu đãi, phát triển nhà ở cho người dân hiện chỉ thông qua các ưu đãi cho từng DA, thông qua các DN kinh doanh nhà mà chưa trực tiếp đến các đối tượng thụ hưởng, dẫn đến tình trạng các DN chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chú trọng phát triển nhà thương mại. Hoạt động của thị trường nhà ở chưa thật bền vững, thông tin về thị trường còn thiếu và chưa minh bạch, các giao dịch chưa bảo đảm tính công khai, chuyên nghiệp, cạnh tranh thiếu lành mạnh, dẫn đến gây nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư, những người mua nhà ở.
Mục tiêu đột phá
Bộ Xây dựng đặt ra mục tiêu đến năm 2015, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt mức 21,5m2 sàn/người, trong đó nhà ở đô thị bình quân đạt 26m2 sàn/người, nhà ở nông thôn bình quân đạt 18,8m2 sàn/người. Đến năm 2020, đạt mức 25m2 sàn/người, nhà ở đô thị bình quân đạt 29m2 sàn/người, nhà ở nông thôn bình quân đạt 21m2 sàn/người.
Một trong những mũi nhọn đột phá được bộ đề ra liên quan đến giải pháp quy hoạch phát triển nhà ở đô thị. Cụ thể, sẽ bổ sung quy định các DA phát triển khu nhà ở, khu đô thị mới có quy mô từ 50ha trở lên phải nằm trong kế hoạch, quy hoạch phát triển nhà ở dài hạn (tối thiểu 5 năm) của đô thị, hạn chế tuyệt đối tình trạng phát sinh, điều chỉnh quy hoạch nhỏ lẻ trừ trường hợp các DA nằm xen kẹp trong các khu dân cư, khu đô thị cũ. Tại các đô thị lớn, các khu vực trọng điểm vùng, ưu tiên cho phép thực hiện các DA nhà ở có quy mô đủ lớn (trên 500ha) để đảm bảo hình thành các khu đô thị mới; gắn phát triển nhà ở đô thị với phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng để dãn mật độ dân cư tại các đô thị trung tâm.
Ngoài ra, liên quan đến nhóm giải pháp về đất đai, bộ kiến nghị, việc thu hồi đất và thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng: Đối với các DA đã xác định được chủ đầu tư thì Nhà nước quyết định thu hồi và giao cho các chủ đầu tư thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có sự phối hợp của Nhà nước; đối với các DA chưa xác định được chủ đầu tư thì Nhà nước ra quyết định thu hồi và giao cho tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật về đấu giá; đối với các DA chủ đầu tư tự thoả thuận đền bù, tự nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà phù hợp với quy hoạch thì Nhà nước chỉ làm thủ tục cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Theo Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2011 - 2020, cả nước cần đầu tư xây dựng khoảng 600.000 căn hộ tương đương khoảng 30 triệu mét vuông sàn (mỗi năm khoảng 60.000 căn, tương đương 3 triệu mét vuông sàn) cho chương trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tổng số vốn đầu tư của toàn bộ chương trình khoảng 180.000 tỉ đồng (tính theo mặt bằng giá tại thời điểm quý III/2010). Giai đoạn 2011 - 2015 sẽ tập trung đầu tư cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ đã bị xuống cấp, hư hỏng kết hợp chỉnh trang đô thị (hiện trên cả nước có khoảng gần 100.000 căn hộ tương đương 3 triệu mét vuông sàn chung cư bị hư hỏng, xuống cấp cần cải tạo, xây dựng lại).