Theo Tờ trình của UBND TP về Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề trên địa bàn TP Hà Nội nhằm tạo nguồn nhân lực trực tiếp có kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo. Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn tăng thu nhập của người dân, đồng thời góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô nói chung và đất nước nói riêng.
Đồng thời, xây dựng hệ thống trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề Thủ đô phát triển toàn diện, đạt chuẩn, tiên tiến và hiện đại. Bên cạnh đó là xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề đạt chuẩn, đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn giỏi, kỹ năng nghề, có phẩm chất, trình độ tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề theo 3 cấp trình độ và đáp ứng đào tạo nghề khu vực và quốc tế.
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2015: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 28% trở lên; mỗi quận, huyện, thị xã ít nhất có 1 trung tâm dạy nghề hoặc 1 trường trung cấp nghề hoặc 1 trường cao đẳng nghề; đầu tư, nâng cấp các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề công lập thuộc TP nhằm đáp ứng chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, trang thiết bị; 1 trường cao đẳng nghề đạt chuẩn quốc tế, 1 trường cao đẳng nghề chất lượng cao và 1 trung tâm dạy nghề kiểu mẫu.
Đến năm 2020: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 43,5% trở lên; nâng cấp, mở rộng quy mô đào tạo của các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề thuộc TP Hà Nội để đảm bảo 100% trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, giáo viên dạy nghề, chương trình, giáo trình; 100% trung tâm dạy nghề của TP được kiểm định chất lượng cơ sở dạy nghề đạt chuẩn cấp độ 3; hình thành 3 trường cao đẳng nghề cấp vùng tại các huyện Phú Xuyên, Thạch Thất và Sóc Sơn; 2 trường cao đẳng nghề đạt chuẩn quốc tế, 3 trường cao đẳng nghề đạt chuẩn khu vực, 3 trường trung cấp nghề có từ 1-3 nghề đạt chuẩn khu vực, 2 trung tâm dạy nghề kiểu mẫu.
Định hướng năm 2030: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 48% trở lên; đến năm 2030, có 5 trường cao đẳng nghề chất lượng cao. 5 trường cao đẳng nghè chuẩn khu vực, 5 trường cao đẳng nghề đạt chuẩn quốc tế; 5 trường trung cấp nghề có từ 1-3 nghề đạt chuẩn quốc tế; 3 trung tâm dạy nghề kiểu mẫu.
Về mạng lưới cơ sở dạy nghề: Đến năm 2015, trên địa bàn TP có 24 trường cao đẳng nghề, 44 trường trung cấp nghề, 67 trung tâm dạy nghề, tăng so với thời điểm năm 2011 là 4 trường cao đẳng nghề, 10 trung tâm dạy nghề; đến năm 2020, trên địa bàn TP có 34 trường cao đẳng nghề, 42 trường trung cấp nghề, 68 trung tâm dạy nghề, tăng so với thời điểm năm 2011 là 14 trường cao đẳng nghề, 11 trung tâm dạy nghề; đến năm 2030, trên địa bàn TP có 36 trường cao đẳng nghề, 44 trường trung cấp nghề, 76 trường dạy nghề, tăng so với thời điểm năm 2011 là 16 trường cao đẳng nghề, 18 trung tâm dạy nghề.
Nêu ý kiến về đầu tư cho đào tạo nghề, đại biểu (ĐB) Lê Văn Thành (tổ Thanh Xuân) cho biết, “Việc đầu tư rất lớn, liệu có hiệu quả không? Trên thực tế, rất ít người học. Việc đưa xã hội hóa là rất quan trọng vì giảm gánh nặng ngân sách rất nhiều. Do đó nên nâng cấp cơ sở các trường hiện tại, thay vì đầu tư xây dựng mới các trường đào tạo nghề”.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Hữu Thắng (tổ Từ Liêm) lại băn khoăn về mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2015 là 55%, 5 năm sau (2015-2020) thêm 15% nữa, thì tốc độ quá “nóng”, liệu chất lượng có bảo đảm!? Vì thế nên giữ tốc độ 5-7%. Ngoài ra, đại biểu Thắng cho rằng không nên đưa con số tuyệt đối 100% giáo viên đạt chuẩn vào năm 2020.
Theo ĐB Nguyễn Tùng Lâm (tổ Đống Đa) cần làm rõ thế mạnh của nghề Hà Nội, từ đó đưa ra một số nghề tiêu biểu để đào tạo nguồn nhân lực cho Hà Nội. “Thêm mục tiêu phát triển loại nghề nào tiêu biểu của Thủ đô. Ngoài cơ sở vật chất thì đội ngũ giáo viên đạt chuẩn 100% theo chuẩn nào tay nghề quốc tế, hay tay nghề ASEAN…” - ĐB Lâm chia sẻ.
Về chất lượng đào tạo nghề, ĐB Đặng Đình An (tổ Đống Đa) thẳng thắn chỉ ra ở đây mới chú ý đến số lượng các trường chứ chưa quan tâm đến quy mô của các trường, đào tạo nghề gì; chưa chú trọng đến đầu ra cho lao động được đào tạo. Đặc biệt, cần tập trung vào chất lượng đào tạo chứ không nên chạy theo số lượng.
Đồng tình với ĐB An, theo ĐB Nguyễn Doãn Hoàn (tổ Thạch Thất), phải đánh giá sâu thực trạng các trung tâm, các trường dạy nghề hiện nay trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, cần chú trọng đến việc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề để nâng cao hiệu quả trong việc dạy nghề và đầu ra.
Giải trình ý kiến của các ĐB HĐND, ông Khuất Văn Thành (Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội) cho biết, liên quan đến đầu tư, hiện đầu tư ngân sách đào tạo nghề chỉ chiếm có 9% ngân sách dành cho giáo dục, nên đưa lên chiếm 13%. Đối với băn khoăn của ĐB về chỉ tiêu, theo ông Thành chỉ tiêu đề ra đã được UBND TP bàn và nghiên cứu kỹ nên có thể đạt được. “Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt và để đảm ứng được quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô nên cố gắng đạt được” - ông Thành khẳng định.
Về mục tiêu mỗi huyện có một trường đào tạo nghề, xuất phát từ thực tế việc thu hồi đất rất lớn nên nhu cầu học nghề rất lớn, vì vậy cần thiết phải đầu tư ở mỗi huyện. Hiện nay, vẫn còn 2 huyện không có cơ sở đào tạo nghề là Phúc Thọ và Mỹ Đức.
Kết thúc phần thảo luận, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với 89,5% đại biểu tán thành.
ĐB Nguyễn Tùng Lâm (tổ Đống Đa) phát biểu ý kiến.
|
ĐB Nguyễn Hữu Thắng (tổ Từ Liêm).
|