Kinhtedothi - Nhiều ưu điểm, đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, các thông số minh bạch và được cập nhật thường xuyên, đơn giản trong việc cập nhật với các thiết bị thông tin thông minh… là những ưu điểm trong việc sử dụng công tơ điện tử.
Những ứng dụng này đã được Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) triển khai thí điểm và ngày 3/3 đã có báo cáo cụ thể tại Hội nghị về chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó đếm điện năng và hệ thống thu thập cơ sở dữ liệu công tơ từ xa giai đoạn 2016 – 2020.
Theo đại diện EVN HANOI, việc sử dụng công tơ điện tử được đưa vào sử dụng tại Việt Nam từ nhiều năm qua và thể hiện khá nhiều ưu điểm: Độ chính xác cao so với công tơ cơ, đo đếm được nhiều thông số (trong đó, nhiều công tơ điện tử được lắp đặt để tính giá điện giờ thấp điểm, cao điểm) đảm bảo công bằng, minh bạch giữa bên mua và bán điện. Đặc biệt, với việc phát triển công nghệ thông tin hiện nay, khi sử dụng công tơ điện tử, không chỉ bên bán điện có nhiều thuận lợi hơn trong việc thu thập số liệu, cập nhật sản lượng, tính toán giá thành… mà khách hàng hoàn toàn có thể truy cập bất cứ lúc nào để nắm được dữ liệu về sản lượng điện năng tiêu thụ. Theo số liệu của EVN HANOI, đến hết năm 2015, với hơn 2,2 triệu khách hàng sử dụng điện trên địa bàn Hà Nội, đã có nhiều khách hàng chuyển sang lắp đặt công tơ 1 pha và 3 pha điện tử. Kết quả bước đầu cho thấy, chất lượng công tác ghi chỉ số công tơ được nâng lên, giảm khiếu nại; khách hàng sử dụng đều hài lòng, việc đo đếm điện năng theo nhiều biểu giá giúp tiết kiệm điện, giảm công suất giờ cao điểm; giảm chi phí quản lý công tơ và các chi phí liên quan đến việc lập hóa đơn; giảm tổn thất do công suất tiêu thụ của công tơ điện tử thấp hơn so với công tơ cơ; giám sát được các hành vi vi phạm sử dụng điện…
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cũng lưu ý, mặc dù đã được triển khai thí điểm, ghi nhận những ưu điểm nhưng ngành điện cần có báo cáo cụ thể, tính toán những hạn chế nếu có khi áp dụng trên diện rộng; tuyên truyền, phân tích cụ thể lợi ích cũng như những lưu ý trong quá trình lắp đặt, sử dụng đến từng khách hàng; chú ý đến an toàn lưới điện, phát triển hệ thống điện nông thôn… Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến của cơ quan quản lý về tính bảo mật, công tác kiểm định công tơ độc lập ngoài ngành điện; Nhiều DN kinh doanh bán điện băn khoăn về việc sử dụng công tơ cơ chưa hết khấu hao nếu thay thế công tơ điện tử sẽ tốn kém hơn, khi đó được xử lý thế nào?... Những ý kiến trên được tiếp nhận và tới đây TP, Sở Công Thương sẽ có những hướng dẫn cụ thể, nhưng quan điểm chung, Hà Nội phải đi đầu trong hiện đại hóa lưới điện. Theo dự kiến trong năm 2016. EVN HANOI sẽ thay thế 500.000 công tơ cơ sang công tơ điện tử 1 pha và hơn 40,5 nghìn công tơ điện tử 3 pha. Và đến năm 2020, mỗi năm EVN HANOI sẽ tiến hành thay thế khoảng 400.000 công tơ điện tử 1 pha và khoảng 6.000 công tơ điện tử 3 pha. Nguồn đầu tư do EVN tự cân đối, và chi phí thay thế công tơ điện tử được hạch toán từ việc tiết kiệm chi phí vận hành, sản lượng điện tiết kiệm… không tính vào chi phí tiền điện.
Ảnh minh họa
|