Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2017, Hà Nội xây dựng mới 250 nhà vệ sinh công cộng

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 7/3, tại buổi họp báo do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, trong năm 2017 TP sẽ hoàn thành xây dựng mới 250 nhà vệ sinh công cộng bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có 371 nhà vệ sinh công cộng. Trong đó, 113 nhà vệ sinh bằng thép, hầu hết được xây dựng trong giai đoạn 2003-2010, nằm ở một số mặt phố, khu vực vườn hoa công cộng. Còn lại 258 nhà vệ sinh bằng gạch, nằm trong các khu dân cư được xây từ những năm 1990.

Ông Lê Văn Dục cho biết, năm 2012, Hà Nội có chủ trương xây dựng mới một số nhà vệ sinh công cộng bằng thép, nhưng trước ý kiến chi phí xây dựng quá cao, TP đã cho dừng lại. "Sau 18 năm đưa vào sử dụng, nhiều nhà vệ sinh bằng thép đã cũ, có rỉ sét nhưng vẫn hoạt động bình thường. Có thể nói nhà vệ sinh công cộng bằng thép đã hoàn thành sứ mệnh của nó, giờ nếu cái nào quá cũ có thể thay mới. TP hiện còn có 300 nhà vệ sinh di động nhưng chỉ dùng để phục vụ khi nào TP tổ chức sự kiện lớn", ông Lê Văn Dục nói.
 Nhà vệ sinh công cộng mới lắp đặt tại vườn hoa Paster được phục vụ miễn phí
Trước tình trạng nhà vệ sinh công cộng đang còn thiếu, kế hoạch của TP Hà Nội xác định xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng trong 10 năm. Dự án này do Công ty Cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing đề xuất xây dựng và quản lý, vận hành trong suốt thời gian triển khai dự án, đổi lại công ty này được TP cho phép quảng cáo ở một số khu vực.

Ông Đồng Phước An – Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đến nay Công ty này đã khảo sát và ký biên bản thống nhất với UBND phường, xã và Tổng Công ty vận tải Hà Nội được 416/528 vị trí đủ điều kiện lắp đặt nhà vệ sinh. Trước Tết Nguyên đán 2017, Công ty đã khảo sát, đề xuất lắp đặt tại 181/398 vị trí.

Hiện tại, công ty này đã thi công và lắp đặt được 64 vị trí nhà vệ sinh tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Tây Hồ, Hà Đông, Long Biên, Cầu Giấy.

Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng, trong số các nhà vệ sinh đã lắp đặt, có 10 vị trí nhà vệ sinh đã hoàn thành điện, nước, đủ điều kiện vận hành, và đã bàn giao cho Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội quản lý từ ngày 21/2. Đến ngày 5/3, tiếp tục hoàn thiện 33 nhà vệ sinh để bàn giao. Còn lại 21 nhà vệ sinh đang hoàn thiện. Tổng số nhà vệ sinh công cộng dự kiến lắp đặt và đưa vào vận hành đến hết năm 2017 khoảng 250 nhà. Tuy nhiên, theo ông An, tiến độ lắp đặt, vận hành chưa đáp ứng được tiến độ đề ra. Ông An nêu lý do việc chậm tiến độ do một số địa phương chưa phối hợp tốt trong bàn giao mặt bằng. Hoặc nhiều hộ dân và cơ quan, tổ chức xung quanh khu vực dự kiến lắp đặt phản đối, yêu cầu ngừng thi công khi đang lắp đặt nhà vệ sinh công cộng tại các vị trí như hè phố đường Văn Cao, vỉa hè phố Hàm Long, vườn hoa ven Hồ Tây. Ngoài ra, nhà đầu tư chưa phối hợp tốt với cơ quan, đơn vị quản lý để xin cấp phép và thi công đấu nối đường điện, cấp nước và thoát nước thải.

Khắc phục tình trạng trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND các quận chỉ đạo cấp phường phối hợp với chủ đầu tư dự án đẩy nhanh công tác bàn giao mặt bằng thi công tại các vị trí đã khảo sát, đề xuất; hỗ trợ công ty này trong công tác định vị hệ thống công trình ngầm và đấu nối điện, cấp nước và thoát nước thải...

Theo chủ trương của UBND TP Hà Nội về việc tạm thời giao Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội tiếp nhận, duy trì trong khi Công ty Cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing đang tập trung thực hiện công tác gia công, lắp đặt. Sở Xây dựng cùng với nhà đầu tư và Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội tổ chức bàn giao, tiếp nhận để sớm đưa vào vận hành các nhà vệ sinh đã hoàn thiện để phục vụ Nhân dân.