Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2017, hát xoan hết cảnh cần bảo vệ khẩn cấp?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND tỉnh Phú Thọ vừa tổ chức hội nghị 4 năm nhìn lại hát xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới.

Với những con số “biết nói” trong quá trình bảo tồn, hát xoan đang là di sản tự tin nhất đệ trình UNESCO xem xét đưa vào danh mục thoát khỏi tình trạng khẩn cấp.
Hát xoan là loại hình nghệ thuật dân gian cần được bảo tồn.  	Ảnh: Diên Hồng
Hát xoan là loại hình nghệ thuật dân gian cần được bảo tồn. Ảnh: Diên Hồng
Trước khi hát xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới, nhiều nhà chuyên môn cho rằng, Phú Thọ không còn hát xoan. Nghệ nhân hát xoan đều ở tuổi “gần đất xa trời”, nhớ nhớ quên quên những làn điệu xoan. Không gian của di sản này cũng biến dạng. Thế nhưng, 4 năm sau ngày vinh danh, Phú Thọ đã nâng con số 7 nghệ nhân có khả năng truyền dạy lên thành 62; 31 bài cơ bản của 3 chặng xoan cũng vì thế mà được bảo tồn. Không nói suông trong công tác bảo tồn, nếu như các địa phương khác loay hoay với chế độ đãi ngộ nghệ nhân, thì Phú Thọ là địa phương đầu tiên và duy nhất trên cả nước có Quy chế phong tặng nghệ nhân riêng của tỉnh và đã triển khai được 2 lần vào năm 2012 và 2015 với 52 cá nhân được UBND tỉnh vinh danh là Nghệ nhân hát xoan Phú Thọ kèm 5 triệu đồng tiền thưởng mỗi người...

Theo ông Nguyễn Ngọc Ân – Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ: “Sức sống của hát xoan cũng được khẳng định với hơn 1.000 người tham gia 30 CLB hát xoan hiện nay, trong khi năm 2010, con số kiểm kê di sản cho thấy chỉ có 298 thành viên ở các thôn, xã vẫn còn biết hát xoan. Lẽ dĩ nhiên, đối với các di sản văn hóa phi vật thể thì các di tích, di sản vật thể đóng vai trò quan trọng. Môi trường diễn xướng hát xoan gắn với tục hát cửa đình và trước tình trạng cần phải bảo vệ khẩn cấp của hát xoan, gần đây đã có 19 di tích liên quan đến di sản này như: Miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình làng Kim Đới, đình An Thái...”.

Hiện nay, hồ sơ đề nghị xem xét đưa hát xoan ra khỏi danh mục cần bảo vệ khẩn cấp thành di sản phi vật thể của thế giới đã được đệ trình lên UNESCO. Theo quy trình, trong năm 2016, UNESCO sẽ triển khai các hoạt động giám sát, kiểm tra về tình trạng của hát xoan Phú Thọ đã ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp hay chưa. Từ kết quả đó, dự kiến khoảng năm 2017, UNESCO sẽ đưa ra câu trả lời cuối cùng cho hồ sơ này thông qua hình thức bỏ phiếu của các nước thành viên UNESCO. Nếu hát xoan của Phú Thọ được ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần phải bảo vệ khấn cấp của nhân loại và chuyển sang danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thành công, thì câu chuyện về bảo tồn di sản không chỉ còn nằm ở lĩnh vực hát xoan mà còn là bài học cho nhiều di sản khác. Bởi vì, hát xoan là di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam có khả năng hết giai đoạn bảo tồn khẩn cấp. Trong khi đó, các di sản như ca trù… vẫn loay hoay phương án bảo tồn, gần 10 năm vẫn luôn được UNESCO cảnh báo khẩn cấp.