Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2019, các “ông lớn” đặt mục tiêu kinh doanh vào đâu?

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh trên nền tảng công nghệ hiện đại, tập trung vào những nhu cầu khách hàng cần hay “dồn toàn lực” cho Dự án trọng điểm…. là các mục tiêu mà các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Techcombank, Bảo Việt… đặt ra trong năm 2019.

 Tập đoàn Bảo Việt: Năm 2019, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh trên nền tảng công nghệ hiện đại
Là doanh nghiệp với quy mô tài sản hàng đầu trên thị trường bảo hiểm, ước đạt gần 114.000 tỷ đồng tại ngày 31/12/2018, tương đương gần 5 tỷ USD,  tăng 24,5% so năm trước; vốn chủ sở hữu đạt 15.435 tỷ đồng, tăng 6,8% so với thời điểm cuối năm 2017. Công ty Mẹ hoàn thành kế hoạch các chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ của Công ty Mẹ đạt 15%.
Bám sát định hướng chiến lược giai đoạn 2016 - 2020, Tập đoàn Bảo Việt tập trung mở rộng thị trường, ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực cạnh tranh, triển khai nghiên cứu ra mắt chuỗi sản phẩm tích hợp đa dạng và ưu đãi vượt trội cho khách hàng. Bảo Việt liên tục cho ra mắt hàng loạt phần mềm quản lý và ứng dụng trực tuyến hữu ích như Baoviet Online; Baoviet Pay; Baoviet Direct; Hợp tác với Momo; BVS@Trade nhằm cung cấp các giải pháp ví điện tử an toàn, có thể chủ động lựa chọn và trực tiếp mua sản phẩm bảo hiểm của Bảo hiểm Bảo Việt như Bảo hiểm xe ô tô, xe máy, bảo hiểm sức khỏe, ung thư, bảo hiểm du lịch… trên ứng dụng. Khách hàng đặt mua và thanh toán trực tuyến khép kín, vô cùng nhanh chóng, tiện lợi với các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn bảo mật quốc tế chỉ bằng một chạm trên di động.
 Năm 2019, Bảo Việt sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án công nghệ thông tin trọng điểm
Năm 2019, Bảo Việt sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án công nghệ thông tin trọng điểm, để từng bước “Làm chủ công nghệ cao – khác biệt tạo hiệu quả” thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ số, đa dạng hình thức thanh toán, nâng cao hiệu suất quy trình giải quyết quyền lợi cho khách hàng, phục vụ khách hàng nhanh chóng và thuận tiện nhất trong quá trình trải nghiệm dịch vụ, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng của công tác quản trị điều hành tập trung và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống, tạo điều kiện cung cấp cho khách hàng các dịch vụ tài chính trực tuyến trọn gói và đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0.
Hòa Phát dồn toàn lực cho “quả đấm thép” Hòa Phát Dung Quất
Dù thị trường gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép của Tập đoàn Hòa Phát vẫn vượt chỉ tiêu đề ra, duy trì đà tăng trưởng so với năm 2017. Cụ thể, kết thúc năm 2018, thép Hòa Phát đạt 2.377.000 tấn, tăng 8% so với năm trước. Sản lượng xuất khẩu tăng đột biến với 240.000 tấn, tăng hơn 50%.
Với công suất thiết kế 4 triệu tấn thép dài và thép dẹt/năm, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đang được Tập đoàn dốc toàn lực triển khai, đảm bảo đúng tiến độ đề ra, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019.
 Dự án Dung Quất là “quả đấm thép” mang tính chiến lược trong dài hạn của Hòa Phát
Dự án Dung Quất là “quả đấm thép” mang tính chiến lược trong dài hạn của Tập đoàn trên hành trình vào Top 50 DN thép lớn nhất thế giới. Dự kiến, đến giữa năm 2019, lò cao đầu tiên của KLH sẽ chính thức hoạt động. Toàn bộ các dây chuyền thiết bị dự kiến sẽ hoàn thành và hoạt động đồng bộ vào cuối năm 2019, đầu 2020.
Techcombank: Giải quyết các nhu cầu khách hàng cần
Năm 2018, Techcombank đạt mức lợi nhuận trước thuế kỷ lục 10.661 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2017, đứng đầu về lợi nhuận trong khối ngân hàng tư nhân.
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh- Tổng Giám đốc Techcombank cho hay, năm 2019 sẽ tiếp tục con đường đã có, lấy khách hàng làm trọng tâm. Techcombank giải quyết được các nhu cầu, vấn đề tài chính mà khách hàng cần.
 Techcombank đặt mục tiêu giải quyết được các nhu cầu, vấn đề tài chính mà khách hàng cần.  
“Đối với công ty lớn cần huy động vốn thì chúng tôi giúp họ huy động vốn từ ngoài thị trường chứ không phải từ Techcombank. Đối với các công ty nhỏ và vừa, vấn đề vốn chỉ là một phần trong các nhu cầu. Các công ty SME cần dịch vụ thuận tiện, có dòng tiền ra vào rẻ. Đối với người dân, họ cần tiền mua nhà, mua xe, mua sắm, phí trả càng ngày càng rẻ”- Tổng Giám đốc Techcombank nhấn mạnh.
ABBank đặt kế hoạch niêm yết, KienLongBank kiên định mục tiêu phát triển bền vững
Với môt số DN nhỏ hơn về quy mô vốn, lợi nhuận như ABBank, KienLongBank… cũng đang có những để phát triển nhanh hơn, bền vững và đột phá hơn trong năm 2019.
Kết thúc năm 2018, lợi nhuận trước thuế của ABBank đạt 924 tỷ đồng, tương đương đạt 102,6% so với kế hoạch năm 2018 và đạt 152,7% so với năm 2017.
 Năm 2019, ABBank sẽ lên sàn HOSE
Tổng tài sản đạt 90.453 tỷ đồng, tương đương 106,8% so với năm 2017. Như vậy, nhờ gia tăng tỷ lệ tài sản sinh lời trên tổng tài sản, ABBank đã đạt tăng trưởng về hiệu quả nhanh hơn tăng về quy mô. Năm 2019, ABBank sẽ triển khai niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE).
Với KienLongBank, kết thúc năm 2018, các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng trưởng so với năm 2017. Tổng tài sản đạt 42.330 tỷ đồng, tăng 13,40%; tổng huy động vốn đạt 37.499 tỷ đồng, tăng 13,11%; dư nợ cấp tín dụng đạt 29.472 tỷ đồng, tăng 19,39%; lợi nhuận trước thuế đạt 300,05 tỷ đồng.
Năm 2019, Kienlongbank sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu “Hoạt động an toàn, bền vững và lợi nhuận hợp lý, mở rộng thị phần qua việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, hướng tới phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử”, sớm đưa Kienlongbank trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam.