Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2020, dự kiến chi thường xuyên hơn 1 triệu tỷ đồng

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài chính vừa công khai báo cáo dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020 trình Quốc hội. Đáng chú ý, Bộ Tài chính dự kiến dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2020 là 1,056 triệu tỷ đồng, chiếm 60,5% tổng chi NSNN.

 Ảnh minh họa
Báo cáo Dự toán ngân sách do Bộ Tài chính xây dựng dự kiến dự toán thu cân đối NSNN năm 2020 là hơn 1,5 triệu tỷ đồng; tăng 7,2% so với dự toán năm 2019. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 22,2% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 19,4% GDP. Trong đó, thu nội địa là hơn 1,26 triệu tỷ đồng, chiếm 83,6% tổng thu, tăng dần qua các năm.
Cùng với dự toán thu, chi NSNN năm 2020 cũng được dự toán theo nguyên tắc, định hướng bố trí tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN, ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển của ngân sách T.Ư; bố trí đảm bảo các chính sách an sinh xã hội đã ban hành; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế…. Bộ Tài chính cũng đặt mục tiêu quản lý chặt chẽ các khoản vay, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; thực hiện cải cách tiền lương theo phương án từ ngày 1/7/2020 điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng (tăng 7,38%), lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng tương ứng; bố trí chi dự phòng, dự trữ quốc gia theo quy định để đảm bảo xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh trong năm.
Với nguyên tắc, định hướng này, dự kiến dự toán chi cân đối NSNN năm 2020 là 1,747 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với dự toán năm 2019, bằng 25,7% GDP. Trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển là 470,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so dự toán năm 2019, chiếm 26,9% tổng chi NSNN và là năm có tỷ trọng cao nhất từ năm 2016 đến nay. Dự toán chi trả nợ lãi là 118,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,8% tổng chi NSNN. Đáng chú ý, chi thường xuyên vẫn chiếm hơn 60% tổng chi ngân sách với con số dự toán quyệt đối là 1,056 triệu tỷ đồng.
Tỷ lệ bội chi NSNN năm 2020 dự kiến là 3,44% GDP (tương ứng 234,8 nghìn tỷ đồng), giảm dần qua các năm; trong đó bội chi ngân sách T.Ư là 3,2% GDP và bội chi ngân sách địa phương là 0,24% GDP. Bình quân bội chi NSNN cả giai đoạn 2016 - 2020 là 3,6 - 3,7% GDP, vượt mục tiêu Nghị quyết số 25/2016/QH14 là tỷ lệ bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016 - 2020 không quá 3,9% GDP, năm 2020 không quá 3,5% GDP. Đến cuối năm 2020, dự kiến nợ công là 54,3% GDP, nợ Chính phủ là 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5% GDP
Để đạt được các cân đối ngân sách, Bộ Tài chính đề ra nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu như: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô… Bên cạnh đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi để các DN phát triển, cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc. Tiếp tục mục tiêu triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, phù hợp khả năng cân đối ngân sách…