Mục tiêu này tạo ra những kỳ vọng, nhưng cũng có những vấn đề đặt ra khi thực hiện.
Năm bản lề 2023
Trước tiên, phải khẳng định, mục tiêu này có tính khả thi. Tính khả thi được nhận diện dưới 3 góc độ khác nhau. Ở góc độ thứ nhất, đó là sự tiếp tục của đà hồi phục tăng trưởng với tốc độ rất cao (8,02%) của năm 2022. Ở góc độ thứ hai, đó là sự thể hiện tính thận trọng của các nhà hoạch định vĩ mô, khi gốc so sánh đã chuyển từ rất thấp (trong năm 2020, 2021) sang khá cao (trong năm 2022), nên tốc độ tăng của 2023 sẽ không thể cao như năm 2022. Ở góc độ thứ ba, kinh tế đang có những khó khăn và đứng trước những thách thức không nhỏ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra một số nguy cơ là cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, già hóa dân số, chênh lệch thu nhập giàu nghèo, đại dịch, phục hồi kinh tế…
Tuy nhiên, tăng trưởng GDP không chỉ có tính khả thi, mà còn phải đáp ứng yêu cầu tăng trưởng trong kế hoạch 5 năm (2021 - 2025). Mục tiêu này đề ra yêu cầu tốc độ tăng GDP bình quân năm trong 5 năm 2021 - 2025 là
6,5 - 7%. Theo đó, GDP đến năm 2025 so với năm 2020 phải tăng 37 - 40,3%. Năm 2021 đã tăng 2,56%, năm 2022 đã tăng 8,02%, năm 2022 so với năm 2020 tăng 10,79% (bình quân 1 năm tăng 5,26% và 3 năm còn lại phải tăng 23,7 - 26,6%, bình quân 1 năm phải tăng 7,35 - 8,19%, là những tốc độ tăng khá cao, không dễ đạt được. Năm 2023 là năm bản lề trong 5 năm 2021 - 2025. Nếu năm 2023 không đạt được tốc độ cao như trên, thì gánh nặng sẽ dồn vào 2 năm cuối của kế hoạch 5 năm.
Do vậy, vấn đề đặt ra trong chỉ đạo điều hành là năm 2023 phải tăng cao hơn mục tiêu 6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội để phấn đấu đạt được mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Hướng tới thu nhập bình quân đầu người đạt 4.400 USD
Khi GDP bình quân đầu người vượt qua mốc 1.000 USD, Việt Nam ra khỏi nhóm thu nhập thấp, chuyển sang nhóm nước thu nhập trung bình (thấp); sau nhiều năm tăng liên tục đến năm 2021 đạt 3.717 USD.
GDP bình quân đầu người phụ thuộc vào 3 yếu tố: GDP tính bằng VND (giá thực tế); tỷ giá VND/USD bình quân năm; dân số trung bình năm. Năm 2023, tốc độ tăng GDP (giá so sánh) theo mục tiêu là 6,5%; nếu chỉ số giảm phát GDP cao hơn năm 2022 (4% so với 3,86%), thì tốc độ tăng GDP theo giá thực tế sẽ tăng 10,61%, hay đạt 10.523 nghìn tỷ đồng. Tỷ giá VND/USD bình quân năm 2023 tăng 1,5% so với 2022, thì giá USD năm 2023 sẽ đạt 23.622 VND.
Dân số trung bình năm 2023 tăng 0,97% (như 2022). GDP bình quân đầu người tính bằng VND sẽ đạt 104,78 triệu đồng/người. GDP bình quân đầu người tính bằng USD năm 2023 sẽ đạt 4.436 USD. Theo đó, mục tiêu 2023 với 4.400 USD/người là có tính khả thi.
Để đạt được mục tiêu này cần tập trung thực hiện một số giải pháp quan trọng. Trước hết, tăng trưởng GDP phải đạt được mục tiêu tăng 6,5% và phải đạt cao hơn. Muốn vậy, phải tăng đầu tư, tiêu dùng cuối cùng và xuất siêu. Đầu tư phải tăng quy mô, tức là phải cao hơn tỷ lệ/GDP của năm 2022 (33,8%), đạt trở lại tỷ lệ trên 34% như các năm trước đó, trong đó đầu tư công 696,7 nghìn tỷ đồng, bằng 33,6% tổng chi ngân sách; thực hiện gói cấp bù lãi suất… Còn phải tăng hiệu quả đầu tư, tức là hệ số ICOR phải thấp hơn mức của năm 2022 (dưới 6 lần).
Tiêu dùng cuối cùng năm 2022 đã tăng rất cao (giá thực tế tăng 19,8%, nếu loại giá tăng 15,6%), nhưng chủ yếu do năm 2021 ở mức rất thấp. Năm 2023 sẽ khó đạt được các tốc độ tăng như năm trước, nhưng phải có mức tăng cao hơn để có quy mô đạt được như trước đại dịch (năm 2022 quy mô chỉ bằng 82,5% năm 2019, trước đại dịch). Muốn vậy, ngoài việc tăng lương công viên chức, lương hưu, thì cần không tăng giá các loại dịch vụ do Nhà nước định giá, cân nhắc giảm tỷ suất một số loại thuế, phí…
Công nghiệp chế biến, chế tạo (CNCBCT) có vai trò quan trọng, được coi là tiêu chí trọng yếu nhất và có tác động đến nhiều tiêu chí khác của nước công nghiệp.
Tỷ trọng CNCBCT/GDP qua một số năm đã liên tục tăng lên. Năm 2022, tỷ trọng trên đạt 24,76%. Với tỷ trọng đã đạt được trên dưới 24,8% trong năm 2021, 2022 và với tốc độ tăng của CNCBCT cao hơn tốc độ tăng GDP chung thì mục tiêu 2023 ở mức 25,4 - 25,8% không phải quá cao, mà có tính khả thi.
Hơn nữa, cơ cấu trong CNCBCT có một số ưu thế đáng lưu ý. Do tỷ trọng về GDP cao hơn tỷ trọng về lao động đang làm việc chứng tỏ CNCBCT có năng suất lao động cao hơn mức năng suất lao động. Cơ cấu CNCBCT trong khối DN theo trình độ công nghệ (cao, trung bình, thấp) đã có sự chuyển dịch tích cực. Trong khi công nghệ trung bình và công nghệ thấp giảm tương ứng. Tỷ trọng hàng xuất khẩu của CNCBCT tăng và hiện ở mức cao (từ 92,5% năm 2015 lên 96,2% năm 2021).
Tuy nhiên, CNCBCT còn có những hạn chế và đứng trước những thách thức không nhỏ. Về tỷ trọng, hiện đã cao hơn mục tiêu 20% nhưng đó là mục tiêu quá thấp, phải được nâng lên (trên 30% vào năm 2025). Công nghiệp hỗ trợ còn yếu; số DN công nghiệp hỗ trợ chỉ có 300/1.800 DN tham gia chuỗi cung ứng của các công ty quốc gia. Do công nghiệp hỗ trợ còn yếu, tính gia công lắp ráp còn lớn, nên thực thu thấp, nhập khẩu cao.