KTĐT - Kết thúc 2010, các thành viên của Hiệp hội sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) không nhắc nhiều đến doanh số. Bởi trừ Toyota, Visuco, Trường Hải và Vinaxuki, 13 hãng còn lại đều thụt lùi so với 2009.
Năm 2010 gần như không có biến động về chính sách thuế. Sự ổn định giúp các nhà sản xuất lên kế hoạch tốt hơn, nhưng không phải cho tăng trưởng. Mọi nguồn lực đã dồn vào "đỉnh điểm" 2009 và đến 2010, nhu cầu đi xuống là điều đương nhiên. Thị trường vẫn tuân theo quy luật "năm mất, năm được" mà giới kinh doanh xe hơi đã tổng kết.
Giảm sâu nhất là Mekong Auto với 39%. GM Daewoo và Vinastar cùng có mức giảm 32%. Mercedes sau một 2009 tăng tới 60% thì đột ngột giảm 17%.
Ford cũng chung tình cảnh khi tăng mạnh năm 2009 rồi lại chạm con số âm 22%. Trong kết quả đó, hãng xe Mỹ cũng có điểm mừng, như việc Focus tăng 26% trong khi phân khúc sedan hạng trung có dấu hiệu đi xuống. Mondeo nhờ giảm mạnh tới 5.000 USD cũng nhích lên gấp đôi, đạt 200 xe, dù chưa bằng doanh số tháng của Camry.
Ngày càng nhiều mẫu xe nhập trong gian hàng của các hãng xe tại Việt Nam Motorshow. Đây là chiếc CR-Z của Honda.
Honda đã hai năm liên tiếp thụt lùi. Civic và CR-V bán 3.140 chiếc, thấp hơn 26% so với 2009. Sự nghèo nàn về sản phẩm khiến liên doanh Nhật loay hoay mãi với bài toán làm thế nào để tăng doanh số. Có thời điểm Civic khuyến mãi tới 60 triệu đồng. Nhưng số bán ra cả năm chưa bằng Altis tiêu thụ trong 3 tháng.
Toyota, với mức tăng 3% cũng không hoàn toàn yên tâm. Các dòng như Altis, Innova đều giảm so với 2009.
Altis đang được thông báo "sốt" đến tháng 3 nhưng thực tế lại không có được kết quả tốt. Tổng xe bán ra là 6.000 chiếc, giảm 7% so với 2009. Nhu cầu chỉ tăng khi Toyota Việt Nam tung ra Altis mới hồi tháng 10, với những cải tiến đáng kể về động cơ và hộp số.
Nguyên nhân Altis giảm doanh số có thể do sự cạnh tranh khốc liệt ở tầm giá 25.000-35.000 USD. Các mẫu xe Hàn Quốc gồm Kia Forte, Daewoo Lacetti hay xe Đài Loan như Mazda3 đã chiếm lĩnh thị trường nhập khẩu và thu hút được không ít khách hàng.
Doanh số các phiên bản của Altis phản ánh điều này. Nếu Altis 2.0 (giá tương đương 39.000 USD) có doanh số tăng thì Altis 1.8MT và Altis 1.8AT (giá khoảng 33.000-35.000) đều giảm. Cùng mức giá nhưng nhiều trang thiết bị hiện đại hơn đang là lợi thế của xe Hàn Quốc.
Innova, dòng xe chạy nhất năm 2010 chạm mức 7.400 chiếc, giảm 12%. Toyota Việt Nam đã làm mới bằng cách tung ra bản tầm trung GSR nhưng không bù được nhu cầu giảm ở hai dòng Innova G và Innova V. Năm nay, Innova sẽ được làm mới một chút, dù đã ở cuối chu kỳ sản phẩm (ra mắt 2006). Chưa có dấu hiệu Innova chuyển sang thế hệ mới.
Vios vẫn duy trì ảnh hưởng ở phân khúc sedan hạng nhỏ khi tăng 13%, lên con số 5.800 chiếc. Fortuner đứng đầu phân khúc địa hình 7 chỗ với 6.550 xe bán ra. Đặc biệt, phiên bản máy xăng V chiếm 57% doanh số của Fortuner trong khi đắt hơn máy bản máy dầu G tới 160 triệu đồng. Điều này chứng tỏ động cơ dầu của Toyota không được người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao như động xăng.
GM Daewoo là liên doanh chịu ảnh hưởng nhất. Tất cả các dòng xe đều đi xuống dù có sự bổ sung của Chevrolet Cruze. Spark đã quá cũ trên thị trường và mất dần thị phần vào tay Kia Morning. Lượng tiêu thụ của Spark dừng lại ở 2.000 chiếc, chỉ bằng 60% so với New Morning Trường Hải.
Vivant và Captiva đang là "gánh nặng" của GM Daewoo bởi doanh số quá thấp. Rất khó hình dung khi chỉ có 41 chiếc Vivant bán ra trong cả 2010. Captiva một thời lừng lẫy giờ giao được 650 xe, bằng một phần ba kết quả 2009.
Nổi bật nhất VAMA là Trường Hải. Bỏ qua xe thương mại thì đây là nhà sản xuất có doanh số tăng trưởng tốt nhất 2010. Dòng sedan tăng 58% lên con số 5.900 chiếc nhờ sự lớn mạnh của Kia New Morning và Kia Cerato.
Ở dòng đa dụng, New Carens cũng vượt lên đứng hàng thứ hai sau Innova với 2.580 chiếc, tăng 48%.
Với kết quả không mấy tốt của 2010, phần lớn thành viên VAMA đang lo lắng cho 2010 khi chính sách nhập khẩu nới lỏng, thuế trước bạ và phí cấp biển "dọa" tăng.
Khó khăn cộng với sự lớn mạnh của xe Hàn Quốc, Đài Loan khiến xu thế chuyển dần sang nhập khẩu bắt đầu lan rộng, với sự tham gia của Honda (phân phối Accord) và Toyota (phân phối Yaris). Nhưng dĩ nhiên, các liên doanh đủ kinh nghiệm để cân bằng hai hình thức nhập khẩu CBU và lắp ráp CKD để có được hiệu quả tốt nhất cho mình.