Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Năm nay không có phim nào xứng đáng đoạt giải Vàng”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khi được hỏi về giải Cánh Diều Vàng gây tranh cãi của Long Thành cầm giả ca, đạo diễn - NSƯT Thanh Vân, thành viên BGK đã trả lời: “Thẳng thắn nhìn nhận, năm nay không có phim nào đoạt giải Vàng, tôi đã đề nghị để trống giải Vàng, chỉ trao giải Bạc…”.

KTĐT - Khi được hỏi về giải Cánh Diều Vàng gây tranh cãi của Long Thành cầm giả ca, đạo diễn - NSƯT Thanh Vân, thành viên BGK đã trả lời: “Thẳng thắn nhìn nhận, năm nay không có phim nào đoạt giải Vàng, tôi đã đề nghị để trống giải Vàng, chỉ trao giải Bạc…”.

Lễ trao giải Cánh Diều Vàng (CDV) 2010 đã tẻ nhạt khép lại nhưng dư chấn của các giải thưởng Diều Vàng, Diều Bạc vẫn để lại những tranh cãi mạnh mẽ. Quyết liệt nhất là những ý kiến phản biện trước Cánh Diều Vàng dành cho bộ phim Long Thành cầm giả ca của đạo diễn Đào Bá Sơn. 

Long Thành cầm giả ca xoay quanh câu chuyện tình của đại thi hào Nguyễn Du và ca nương tên Cầm. Truyện phim được kể theo trình tự thời gian, từ khi Nguyễn Du được triều Nguyễn ân sủng, được làm quan, đến khi thời thế loạn lạc, nghĩa quân Tây Sơn nổi dậy lật đổ triều đình…

Nguyễn Du đứng giữa những binh biến lịch sử trong sự dày vò, đau khổ, trong đó có những day dứt với mối tình cùng nàng Cầm. Đi qua những thăng trầm, đi qua những biến chuyển của thời đại, Nguyễn Du về già gặp lại nàng Cầm, đại thi hào không còn nhận ra mối tình cũ, một cô gái xinh đẹp nổi tiếng khắp kinh thành nay đã là một bà già cô đơn, nghèo khổ… Nghẹn ngào trước cuộc đời nàng Cầm, nghẹn ngào trước thời thế đổi thay, Nguyễn Du đã cảm tác viết nên bài thơ bất hủ, Long Thành cầm giả ca.

Dựa vào bài thơ Long Thành cầm giả ca, tác giả Văn Lê đã viết nên một kịch bản phim. Giữa bối cảnh “thiếu và yếu” những kịch bản phim lịch sử, Long Thành cầm giả ca là một kịch bản giàu chất liệu để có thể xây dựng một phim nhựa hay. Tuy nhiên, đạo diễn Đào Bá Sơn đã không thể kể lại câu chuyện về cô gái chơi đàn cầm ở đất Long Thành một cách hấp dẫn, chỉnh chu, dù câu chuyện giàu chất liệu điện ảnh. Phim tuân thủ theo trình tự thời gian, các tình tiết “bị” khai thác dàn trải, không có điểm nhấn khiến nội dung phim trở nên dài dòng, lê thê, gần như… bất tận.  

Long Thành cầm giả ca đã không đoạt giải về đạo diễn, không đoạt giải về diễn viên, không đoạt giải quay phim, không đoạt giải âm thanh (nhưng vẫn là bộ phim xuất sắc nhất)… là có lý do. Điểm cộng lớn nhất cho đạo diễn Đào Bá Sơn ở bộ phim nhựa này là ý tưởng đưa văn hóa truyền thống vào những cảnh quay. Phim có một số cảnh quay nhiều cảm xúc. Cảnh Cầm học chơi đàn là một ví dụ. Tuy nhiên, vì thiếu sự kết nối giữa các tình tiết, giữa các cảnh quay, nên phim bị rời rạc. Càng về sau, phim càng đuối, xem càng mệt mỏi… Đạo diễn đã không thể giải quyết được các vấn đề nảy sinh trong phim, cũng như không thể làm hay hơn các nhân vật của mình.  
 
“Năm nay không có phim nào xứng đáng đoạt giải Vàng” - Ảnh 1
Một cảnh trong phim
 
Diễn xuất nhạt của dàn diễn viên, trong đó có 2 diễn viên chính, Quách Ngọc Ngoan và Nhật Kim Anh càng khiến Long Thành cầm giả ca bị đuối. Quách Ngọc Ngoan đã không đủ sức, không đủ tầm để gánh vác một vai diễn có số phận và có diễn biến tâm lý phức tạp như vai đại thi hào Nguyễn Du. Chính vì còn quá nhiều hạn chế nên khi Cánh Diều Vàng xướng tên Long Thành cầm giả ca đã gây những tranh cãi.
 
Giải thưởng của Hội điện ảnh dường như chưa năm nào suôn sẻ, năm nào cũng gây những tranh cãi. Năm nay, CDV cho Long Thành cầm giả ca đã không thể trở thành một ngoại lệ.
 
“Năm nay không có phim nào xứng đáng đoạt giải Vàng” - Ảnh 2
Hai nhân vật chính chưa thành công của Long Thành cầm giả ca

Ở cuộc họp báo đầu tiên về lễ trao giải CDV 2010, khi ban tổ chức công bố danh sách 13 thành viên Ban giám khảo chấm phim truyện nhựa, nhiều người đã lấy làm mừng khi thấy trong danh sách ấy những cái tên trẻ như diễn viên Hồng Ánh, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân (không quá trẻ)… Người ta đã hy vọng những cái tên ấy có thể mang đến những suy nghĩ mới, những cái nhìn mới hơn vào giải thưởng Cánh Diều năm nay. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. 

Đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng khi được hỏi về Cánh Diều Vàng chọn cách trả lời rằng: “Giải thưởng đã trao xong rồi, là việc đã qua rồi, tôi không muốn nhắc lại và không muốn bàn cãi thêm” (!). Đạo diễn trẻ của BGK thể loại phim truyện nhựa chỉ gửi gắm một số ý kiến góp ý với ban tổ chức Cánh Diều rằng: “ Giải thưởng nên mở rộng hơn, nên có giải Cánh Diều cho những người làm phục trang, hóa trang, ánh sáng… Đây là giải của hội nghề nghiệp nên tính nghề nghiệp phải được đề cao. Thứ 2, từ năm sau, theo tôi nên loại bớt những bộ phim quá yếu kém về mặt chất lượng ngay từ đầu để BGK đỡ phải xem. Có 5 phim hoặc 3 phim để chọn ra 1 phim tốt nhất cũng được. Đừng để BGK phải xem những bộ phim… nhảm nhí, cho dù, bộ phim nhảm nhí ấy đã được làm một cách nghiêm túc!”. 

Và cuối cùng, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng có nói, sau lễ trao giải một ngày, sau khi các đoàn làm phim đã ăn mừng chiến thắng xong, BTC và những người đoạt giải nên có một cuộc họp báo nghiêm túc để tất cả các phóng viên có thể đặt câu hỏi về hệ thống giải thưởng vừa được trao, hỏi đáp một cách thẳng thắn và sòng phẳng. 

Trao đổi với phóng viên về những tranh cãi quanh giải Cánh Diều Vàng dành cho bộ phim Long Thành cầm giả ca, đạo diễn- NSƯT Thanh Vân thừa nhận: “Nhìn một cách thẳng thắn, năm nay không có bộ phim nhựa nào xứng đáng đoạt giải Vàng. Chính tôi đã đề nghị, nên để trống giải Vàng, chỉ trao giải Cánh Diều Bạc. Tuy nhiên, lại có những ý kiến khác, trái ngược tôi. Mọi người cho rằng, nên ủng hộ, nên khuyến khích một bộ phim lịch sử khi điện ảnh Việt đang thiếu thốn đủ thứ.  Có 13 thành viên BGK làm việc, chúng tôi đã trao đổi rất nhiều, nhưng đó chỉ là trao đổi. Sau đó, mỗi người sẽ có những con số riêng chấm điểm cho từng bộ phim. Kết quả cuối cùng là kết quả của những con số”. 

Theo đạo diễn Thanh Vân, “tìm ra một bộ phim đoạt giải Vàng năm nay là một bài toán khó với BGK”, nhưng cuối cùng, BGK vẫn chọn cách “ép bạc thành vàng”...
 
 

Hệ thống giải CDV 2010 để lại nhiều thắc mắc khác. Việc trao CDV nam diễn viên chính xuất sắc cho Đình Toàn, trong khi anh tham gia Khát vọng Thăng Long với một vai thứ chính, vai nam chính thuộc về Quách Ngọc Ngoan (vai Lý Công Uẩn), được đạo diễn Bùi Tuấn Dũng giải thích: “Tên phim là Khát vọng Thăng Long, nhưng xem cả bộ phim không thấy khát vọng Thăng Long đâu cả, chỉ thấy khát vọng quyền lực. Nội dung phim chỉ xoay quanh cuộc chiến tranh giành ngôi báu của anh em nhà Lê, không nhắc gì đến khát vọng của nhân vật Lý Công Uẩn, chính vì thế, Lê Long Đĩnh mới là nhân vật chính chứ không phải là Lý Công Uẩn. Trao giải nam chính cho Đình Toàn là chính xác”.

Trong danh sách nhà sản xuất gửi Cánh đồng bất tận dự thi, nhà sản xuất để tên diễn viên Lan Ngọc tranh giải ở hạng mục nữ diễn viên phụ. Khi xem phim, BGK đã thống nhất chấm Lan Ngọc ở giải nữ chính, bởi cốt truyện của phim được kể lại theo lời kể của Nương (Lan Ngọc).