Vùng đất của những tổn thương, mất mát giờ đang hồi sinh từng ngày.
Đại công trường bên dòng Nậm Păm
Vượt quãng đường hơn 350km, chúng tôi đến với xã Nậm Păm. Những dấu tích còn sót lại sau đợt mưa lũ vẫn rất nặng nề. Dọc suối Nậm Păm, khung cảnh hoang tàn bao trùm cả một vùng dân cư rộng lớn. Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La Hoàng Thị Thu Hiền chỉ tay về phía xa, nơi chỉ còn trơ lại bùn đất, sỏi đá nằm ngổn ngang: "Nơi đó trước đây là nương rẫy canh tác của bà con. Giờ thì cây củi, thân gỗ khô nằm la liệt!". Một vài người dân tranh thủ lội suối, nhặt củi khô về đun nấu. Con đường dẫn vào các bản Hốc, bản Piệng, bản Huổi Liếng… gập gềnh sỏi đá. Nhiều đoạn, ô tô không thể di chuyển, chúng tôi phải xuống đi bộ hàng cây số để có thể đến được với những thôn, bản nằm sâu về phía bìa rừng.
Những ngôi nhà lắp ghép đang được xây dựng phục vụ tái định cư cho các hộ dân xã Nậm Păm bị mất nhà cửa. |
Nậm Păm những ngày này không khác một đại công trường. Khắp nơi vang tiếng máy xúc, máy ủi, ô tô tải chở bùn đất, đá sỏi nườm nượp vào ra khu vực suối Nậm Păm. Tất cả đều rất khẩn trương, tập trung dọn dẹp tàn tích sau trận lũ. Dọc con đường dẫn vào bản Hốc, bản Piệng, bản Pâu, bản Huổi Liếng… những lán trại được công nhân, người lao động, cư dân địa phương dựng lên tạm bợ phục vụ cho nhu cầu tạm trú, thực hiện công cuộc tái thiết hạ tầng nơi đây. Sau cây cầu bắc ngang suối Nậm Păm, con đường huyết mạch nối từ bản Hua Nậm (xã Nậm Păm) đi xã Ngọc Chiến (huyện Mường La) đang được thi công khẩn trương.
Từ ngày trận lũ đi qua, người dân xã Nậm Păm phải sống trong cảnh không có điện. Bí thư Đảng ủy xã Nậm Păm Quàng Văn Loa cho biết, nước lũ đã khiến nhiều cột điện trên địa bàn xã bị gãy, đổ. Trước tình hình đó, địa phương đã phải bố trí cho mỗi thôn, bản một máy phát điện và loa phát thanh cỡ lớn, nhằm bảo đảm nguồn điện phục vụ thông tin, liên lạc. Cùng với hệ thống giao thông, hàng loạt cột điện bằng bê tông được vận chuyển tới xã Nậm Păm. Ông Quàng Văn Loa cho hay, Công ty Điện lực huyện Mường La đang tập trung thi công, phục hồi hệ thống điện, phấn đấu cấp điện trở lại cho người dân địa phương trước ngày 30/9/2017.
Sớm ổn định đời sống
Trận lũ lịch sử trong 70 năm qua không chỉ biến xã nghèo Nậm Păm thành vùng đất hoang tàn, mà còn khiến hàng trăm gia đình nơi đây rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, không nhà cửa, với đôi bàn tay trắng.
Có lẽ trong quãng đời còn lại, chị Quàng Thị Bặt (ở bản Hốc) sẽ không thể nào quên được giờ phút sinh tử rạng sáng ngày 3/8. Trận lũ đã cướp đi người chồng và cậu con trai của chị. Căn nhà cùng toàn bộ vật dụng cũng bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Hiện, chị Bặt và cô con gái năm nay lên lớp 10 đang phải ở tạm nhà họ hàng. Không chỉ riêng chị Bặt, Nậm Păm hiện có 212 hộ dân thuộc các bản: Hốc, Pâu, Huổi Liếng, Hua Nậm… cũng đang rơi vào cảnh “không nhà, không cửa” chỉ sau một đêm. Cùng với khắc phục hậu quả về hạ tầng, công tác bố trí, sắp xếp nhà ở cho cư dân bị mất nhà cửa cũng đang được địa phương gấp rút triển khai. Ở lưng chừng ngọn đồi hướng về UBND xã Nậm Păm, hàng chục ngôi nhà lắp ghép đang được thi công. Sau khi hoàn tất, các hộ dân đang sinh sống tại khu vực lán trại tập trung sẽ được bố trí tạm trú trong những ngôi nhà này chờ tái định cư.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mường La Nguyễn Văn Tâm cho biết, công tác rà soát quỹ đất phục vụ tái định cư đang được gấp rút tiến hành. Dự kiến, tổng kinh phí để thực hiện tái định cư cho các hộ dân xã Nậm Păm là 102 tỷ đồng. Bên cạnh bố trí quỹ đất tái định cư, địa phương cũng tiến hành ổn định cuộc sống tại chỗ (cải tạo giao thông, hệ thống điện, tu sửa nhà cửa…) cho 209 hộ dân chịu ảnh hưởng bởi trận lũ đầu tháng 8. Địa phương đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành việc ổn định đời sống cho các hộ dân xã Nậm Păm xong trước ngày 20/12/2017.
Nỗ lực cho trẻ đến trường
Ngày chúng tôi tới thăm bản Hốc (xã Nậm Păm), em Cà Thị Linh Chi, học sinh trường Tiểu học xã Nậm Păm đang đi nhặt củi với mấy người bạn. Gia đình em gồm 5 người đã may mắn thoát nạn khi cơn lũ ập đến. Tuy nhiên, toàn bộ nhà cửa và gia sản ít ỏi của gia đình đã bị dòng nước cuốn trôi. Nhắc đến chuyện đi học, khuôn mặt Chi buồn buồn: "Em đã chuẩn bị gì cho năm học đâu. Đợt này bố mẹ bảo cứ đi dọc suối xem có nhặt nhạnh được thứ gì còn dùng được thì mang về. Chứ trường lớp bị lũ cuốn rồi, không biết có đi học được nữa không!".
Sau cơn lũ đầu tháng 8, một trong hai điểm trường mầm non của xã Nậm Păm đã bị hư hỏng nặng. Người dân địa phương đang tổ chức tháo dỡ để tận dụng một số vật dụng sắt thép, gạch ngói còn dùng được. Trường Tiểu học xã Nậm Păm đã bị cuốn trôi hoàn hoàn, chỉ còn xót lại một vài mảng tường đổ vỡ. Trong khi đó, trường THCS xã Nậm Păm may mắn khi chỉ bị bùn đất vùi lấp một phần. Hiệu trưởng trường THCS xã Nậm Păm Trần Mạnh Hùng cho biết: “Cũng may là những ngày qua có các chiến sĩ bộ đội (Trung đoàn 754, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sơn La - PV) và các đoàn viên thanh niên đến giúp. Chứ ngày cơn lũ mới đi qua, nhìn khối đất đá khổng lồ, chúng tôi lo lắng quá. Năm học mới lại sắp đến…”
Cùng với việc dọn dẹp bùn đất, di chuyển đất đá ra khỏi khuôn viên trường tiểu học và THCS, những ngày qua, địa phương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng vận chuyển vật liệu để tổ chức xây lắp một số phòng học tạm, phục vụ khai giảng năm học mới 2017 - 2018. Trước mắt, khoảng 400 em lứa tuổi mầm non sẽ học tập trung tại phòng học hiện có tại điểm trường trung tâm xã. Đối với học sinh tiểu học, thầy Trần Mạnh Hùng cho biết, thời gian tới sẽ được bố trí lên lớp tại hệ thống nhà lắp ghép trong khuôn viên trường THCS xã Nậm Păm. Thầy Hùng cũng vui mừng thông tin: Những ngày qua, nhiều đoàn công tác đã đến thăm hỏi, tặng quà cho các em học sinh. Theo đó, sách vở, đồ dùng học tập thiết yếu về cơ bản có thể đảm bảo. Tuy nhiên, địa phương đang phải gấp rút bổ sung trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập cho giáo viên và học sinh. Việc xây dựng bổ sung điểm trường cũng đang được nghiên cứu để triển khai trong thời gian sớm nhất.
Phó Hiệu trưởng trường Mầm non xã Nậm Păm Quàng Thị Phượng bộc bạch: Bên cạnh cơ sở vật chất trường học, các thầy cô giáo nơi đây cũng đang phải tích cực vận động học sinh và bố mẹ các em tạo điều kiện để con em trở lại trường lớp, tránh tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Bí thư Đảng ủy xã Nậm Păm Quàng Văn Loa cho biết thêm, nhu cầu cơ bản về lương thực, thực phẩm, nước uống và điều kiện sống nói chung đang được địa phương bảo đảm tốt nhất có thể cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ. Mục tiêu cũng là để các em nhỏ không phải lăn lộn với công cuộc mưu sinh cùng gia đình khiến việc học bị dở dang.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Mường La, sau khi đợt mưa lũ đi qua, địa phương đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ những tấm lòng hảo tâm trên khắp cả nước. Tính đến nay, huyện đã tiếp nhận hỗ trợ bằng tiền mặt trên 31 tỷ đồng; cùng nhiều hàng hóa, vật dụng sinh hoạt thiết yếu như: 73 tấn gạo, 14.400 thùng mỳ tôm, 5 tấn muối, 3.500 thùng quần áo, 1.300 bộ bát đũa và một số nhu yếu phẩm khác (xà phòng, giầy dép, nước uống...). Với tinh thần "tương thân tương ái" tổ chức công đoàn hai đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội là Trung tâm Khuyến nông và Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng đã phát động cán bộ, đoàn viên công đoàn hai cơ quan đóng góp ủng hộ bà con Mường La. Hai đơn vị đã cử đoàn công tác đến địa phương trao tặng địa phương 58 xuất quà là các dồ dùng thiết yếu, một số giống cây trồng, hai thùng sách và 45 triệu đồng. |