Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nam Từ Liêm: Đứng thứ 28/30 quận, huyện về tỷ lệ học sinh tham gia Đề án sữa học đường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Đến năm học này, tại quận Nam Từ Liêm mới có 73,97% tổng số học sinh tham gia Đề án chương trình sữa học đường; nhiều trường ngoài công lập và một số nhóm trẻ tư thục chưa tham gia. Tuy nhu cầu tiêu thụ sữa của quận đứng thứ 11/30 nhưng tỷ lệ học sinh tham gia rất thấp, chỉ đứng thứ 28/30 quận, huyện trên toàn TP Hà Nội.

Hôm nay (2/10), đoàn khảo sát do Trưởng Ban Văn hóa - Xã Hội HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình làm trưởng đoàn đã khảo sát tại quận Nam Từ Liêm về việc thực hiện Nghị quyết Quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án “Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo (MG) và học sinh tiểu học (TH) trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2018-2020” và công tác triển khai năm học 2019-2020 tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn TP. Cùng tham gia đoàn có Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến.
Trong đó, đoàn đến trực tiếp khảo sát tại các trường Mầm non Xuân Phương, Tiểu học Lê Quý Đôn, THCS Mỹ Đình 1.
                       Đoàn trực tiếp khảo sát tại Trường THCS Mỹ Đình 1
Theo UBND quận Nam Từ Liêm, với dân số 290.052 người, hiện tại quận có 96 trường học các cấp từ mầm non (MN) đến THCS, trong đó 41 trường công lập và 55 trường ngoài công lập (NCL); cùng 12 trường THPT, 1 trung tâm GDNN-GDTX, 10 trung tâm học tập cộng đồng. Với tốc độ đô thị hóa và dân số cơ học tăng nhanh, quận gặp nhiều khó khăn trong triển khai nhiệm vụ đầu năm học này. Tỷ lệ số trẻ đăng ký tuyển sinh trực tuyến so với chỉ tiêu được giao chưa cao, bởi có nhiều học sinh đăng ký học tại các trường NCL; cấp học MN tuyển sinh không đủ chỉ tiêu do học sinh MN ra lớp sau thời gian đăng ký tuyển sinh. Nhất là một số trường tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 vượt chỉ tiêu kế hoạch vì dân số cơ học tăng nhanh ở các tòa nhà chung cư (đặc biệt tại các phường Mễ Trì, Mỹ Đình 2, Cầu Diễn, Trung Văn, Đại Mỗ), trong khi số trường tư thục không đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh trong khu chung cư. Ngoài ra, một số trường nhỏ, thiếu không gian học tập vui chơi cho học sinh, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu trang thiết bị, nhất là chuẩn bị cho công tác triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa mới.
Đáng chú ý, trong thực hiện Nghị quyết 06 của HĐND TP về quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án, dù UBND quận đã cố gắng trong công tác chỉ đạo, ban hành các văn bản quản lý nhà nước cũng như cùng các trường MG, TH tổ chức tuyên truyền đến phụ huynh, quán triệt triển khai tập huấn cho cán bộ, giáo viên, song gặp nhiều khó khăn. Với 79 trường, 199 nhóm trẻ thuộc các trường TH, MN, nhóm trẻ MG thuộc Đề án và 47.975 học sinh thuộc diện được thụ hưởng của Đề án. Nguyên nhân của kết quả thấp này được UBND quận đánh giá, trước hết do trên địa bàn có 6 trường khối MN có yếu tố nước ngoài nên không đăng ký; một số hệ thống trường NCL đã tổ chức cho học sinh uống sữa công thức nên không đăng ký Đề án; hệ thống trường Vinschool đã triển khai đến học sinh nhưng lại chưa có thống nhất của HĐQT. Đặc biệt, nguyên nhân chủ quan là một số chủ tịch HĐQT, ban giám hiệu, gia đình có điều kiện của các trường NCL chưa quan tâm đến Đề án, đã cho con uống nhiều sữa ngoại khác nên không đăng ký.
Trước những khó khăn này, quận kiến nghị UBND TP quan tâm xây dựng tiêu chí mô hình trường học điện tử, tiêu chí các phòng học chức năng để chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Với việc thực hiện Đề án, đề nghị TP tiếp tục triển khai để con em được hưởng thụ, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn và hoàn cảnh trung bình được tham gia; đồng thời Công ty sữa Vinamilk cần hỗ trợ túi nilon tự hủy cho các trường trong việc thu gom vỏ hộp sữa.
             Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình phát biểu
Qua khảo sát thực tế và lắng nghe ý kiến từ quận cũng như đại diện các trường học trên địa bàn, đoàn khảo sát ghi nhận quận Nam Từ Liêm gần đây đã tập trung đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, trở thành điểm sáng của Hà Nội, với việc đa dạng các loại hình giáo dục, phát triển nhanh và mạnh giáo dục chất lượng cao, phục vụ tốt cho người dân sinh sống trên địa bàn. Bên cạnh đó, tích cực triển khai các chủ trương của TP, trong đó xây dựng kế hoạch, quán triệt, tuyên truyền tổ chức thực hiện Đề án chương trình sữa học đường sâu rộng trên địa bàn. Công tác triển khai nhiệm vụ năm học mới 2019-2020 cũng được thực hiện nghiêm túc.
Tuy nhiên, trước thực tế tỷ lệ tham gia Đề án tại quận còn hạn chế, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình đề nghị, quận quan tâm hơn công tác tuyên truyền vận động, trong đó có phương pháp để tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả hơn, nhất là với đối tượng đặc thù (trường NCL, hộ gia đình có thu nhập cao...). Phòng GD&ĐT quận và các trường cần quan tâm thực hiện đúng quy trình đề ra trong Đề án về tiếp nhận, bảo quản, sử dụng sữa cũng như thu gom vỏ hộp sữa; quận chú trọng công tác giám sát, các trường chấp hành nghiêm. Việc thanh quyết toán với chương trình này cũng cần được quận cần rà soát để tiến hành nhanh gọn cho các cơ sở.
Đối với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, Trưởng đoàn giám sát lưu ý, quận nếu có nhiều khó khăn thì kiến nghị để TP bố trí về quy hoạch, nguồn lực giúp quận đầu tư cơ sở vật chất nhằm đảm bảo tiêu chí sĩ số học sinh/lớp theo tiêu chuẩn, các lớp học không bố trí ở tầng quá cao...; đồng thời cần quan tâm rà soát vấn đề vệ sinh môi trường tại các trường, nhất là với khối công lập.