Theo Báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện nay, Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, với tốc độ khá nhanh (tỷ lệ người cao tuổi khoảng 10% tổng dân số-tương đương với hơn 9 triệu người). Hiện nhiều chính sách đối với người cao tuổi đã được ban hành và cụ thể hóa qua Luật, Nghị quyết, Quyết định, Thông tư, Chương trình hành động… từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Hội nghị về người cao tuổi (Ảnh: Lê Phương)
|
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về Luật, chính sách đối với người cao tuổi còn hạn chế, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi còn khó khăn do cơ sở vật chất, nhân lực, y bác sĩ còn thiếu và yếu.
Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 136 về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 180.000 đồng lên 270.000 đồng, có hiệu lực từ 1/1/2014. Tuy nhiên do chưa cân đối được nguồn lực nên Chính phủ thống nhất chưa thực hiện Nghị định 136. Một bộ phận người cao tuổi ở nông thôn, nhất là vùng núi, vùng cao biên giới phải sống trong nhà tạm, lao động vất vả, đời sống còn nhiều khó khăn…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, trong thời gian tới các Bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình tích cực triển khai chỉ đạo, lồng ghép các chương trình, thực hiện có hiệu quả các chính sách chăm sóc người cao tuổi, phát huy vai trò người cao tuổi phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; Tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: “Chính sách đối với người cao tuổi cực kỳ quan trọng, thậm chí quyết định đến tình hình của đất nước. Công tác dân số nói chung, công tác chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người lớn tuổi càng ngày càng quan trọng”.