Trường Cao đẳng Nghề Việt Đức ở Hà Tĩnh, hướng dẫn học viên thực hành nghề có khí. (Ảnh: Hà Thái/TTXVN)
Bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi đã có cuộc trao đổi với báo chí về nâng cao chất lượng đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu hội nhập.
- Đề nghị Thứ trưởng cho biết những quan điểm chủ đạo trong Chiến lược dạy nghề thời kỳ 2011-2020 đã được Chính phủ phê duyệt?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi: Ngày 29/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định 630/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển dạy nghề Việt Nam thời kỳ 2011-2020. Đây là cơ hội, là định hướng và cơ sở pháp lý quan trọng để các bộ ngành, địa phương xây dựng kế hoạch phát triển dạy nghề trong giai đoạn 2011-2020. Tư tưởng chỉ đạo của Chiến lược dạy nghề là tạo đột phá về chất lượng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam.
Chiến lược dạy nghề cũng đưa ra bốn quan điểm chủ đạo. Thứ nhất, phát triển dạy nghề là sự nghiệp và trách nhiệm của toàn xã hội; đây là nội dung quan trọng của chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia đòi hỏi phải có sự tham gia của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở dạy nghề theo nhu cầu thị trường lao động. Thứ hai là thực hiện đổi mới cơ bản, mạnh mẽ quản lý nhà nước về dạy nghề, nhằm tạo động lực phát triển dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Thứ ba là nâng cao chất lượng và phát triển quy mô dạy nghề cho người lao động, đồng thời phải đáp ứng nhu cầu của các ngành nghề sử dụng nhân lực có tay nghề cao trong nước và xuất khẩu lao động. Thứ tư là tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển dạy nghề, tập trung xây dựng các trường nghề đạt chất lượng cao, trong đó ưu tiên các trường đạt đẳng cấp quốc tế; các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
- Vậy trong những quan điểm chủ đạo trên, quan điểm nào mang tính đột phá?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi: Ban chấp hành Trung ương Đảng hiện đang họp bàn rất nhiều nội dung, trong đó có một nội dung quan trọng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo để đến năm 2020, Việt Nam phát triển theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Tuy nhiên, chất lượng lao động của Việt Nam hiện rất thấp, do nhiều yếu tố; trong đó có yếu tố về đào tạo nguồn nhân lực mà cụ thể đối với ngành lao động đang quản lý là vấn đề đào tạo nghề. Trong những giải pháp về đào tạo nghề có hai giải pháp được xác định là giải pháp đột phá - đó là đổi mới quản lý Nhà nước về dạy nghề và phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề.
Về giải pháp quản lý Nhà nước về dạy nghề, ở Việt Nam hiện nay có một thực trạng là lao động ở nhiều trình độ khác nhau, chất lượng đầu vào kém, thường thì học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông thi rớt đại học, cao đẳng mới quay sang học nghề. Văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay có một quan điểm là gia đình nào cũng muốn con em vào học đại học mà không muốn cho con học nghề.
Nhưng ở các nước phát triển như Đức lại có tới 78% học sinh đi học nghề, còn lại mới học ở các loại hình khác. Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị xác định vấn đề phân luồng giáo dục để tạo điều kiện cho học sinh từ bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông có điều kiện vẫn có thể học nghề và học vào đại học. Đó chính là cơ chế liên thông, đào tạo từ xa để tạo cơ hội cho mọi người có thể học từ phổ thông đến tiến sỹ.
Quản lý Nhà nước về vấn đề dạy nghề cho thấy, chính sách về dạy nghề và cơ sở dạy nghề của chúng ta chưa đồng bộ; cơ sở vật chất chưa đáp ứng, chất lượng dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu; loại hình đào tạo nghề chưa đảm bảo trong khi chúng ta đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng. Đội ngũ giáo viên thiếu cả về đội ngũ, yếu về chất lượng. Điểm đáng chú ý rất lớn là giáo viên dạy nghề của chúng ta mới chỉ có hơn 3% là giáo viên tích hợp (vừa dạy lý thuyết giỏi vừa dạy kỹ năng nghề giỏi).
Đây là vấn đề nổi cộm rất lớn nên bước đột phá của chiến lược chính là giải quyết vấn đề này. Vì vậy, chủ chương của Chính phủ là đồng ý cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đào tạo đội ngũ giáo viên theo những ngành kinh tế trọng điểm ở nước ngoài chuẩn về chương trình và đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 826, trong đó đã xác định có 26 nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế, 49 nghề đạt tiêu chuẩn khu vực và 130 nghề đạt tiêu chuẩn trình độ quốc gia và tới đây hướng đầu tư của Chính phủ là tập trung vào các nghề trọng điểm của ngành kinh tế.
- Thứ trưởng vừa đề cập những nghề đạt chuẩn quốc tế, trong khi vấn đề đào tạo nguồn lao động xuất khẩu hiện còn gặp nhiều khó khăn. Để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu xuất khẩu, trong điều kiện nước ta đang hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, chúng ta cần những yếu tố gì?
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi: Mục tiêu tổng quát phát triển dạy nghề đến năm 2020 là dạy nghề phải đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu và trình độ đào tạo; chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phổ cập nghề cho người lao động, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo dự báo, đến năm 2015 Việt Nam có khoảng 45 vạn lao động xuất khẩu và đến năm 2020, chúng ta có khoảng 68 vạn lao động xuất khẩu. Nhưng hiện nay, lao động xuất khẩu của chúng ta chủ yếu là lao động thô, trình độ sơ cấp thấp nên tiền lương chưa tương xứng.
Trong xuất khẩu lao động hiện nay chúng ta cũng tính toán xem các thị trường đòi hỏi những ngành nghề gì cần lao động ít nhưng hàm lượng về giá trị gia tăng cao, thu nhập cao để gắn kết với các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài nước đào tạo theo nhu cầu thị trường. Làm được như thế, chúng ta sẽ kéo được nguồn ngoại tệ rất về Việt Nam và quan trọng hơn là lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài những ngành nghề có chất lượng cao đó quay trở về phục vụ trong nước.
Đây là nguồn lao động rất tốt, tới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ có chương trình đào tạo nghề cho các đối tượng xuất khẩu lao động chất lượng cao
Xin cảm ơn Thứ trưởng!