Các điểm đến du lịch tại huyện Sóc Sơn đoàn đã đi khảo sát gồm: Quần thể khu di tích đền Sóc, Học viện Phật giáo Việt Nam, Khu du lịch sinh thái Bản Rõm, Khu du lịch sinh thái Văn Lang, nhà hàng Ngọc Linh.
Lãnh đạo Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Sóc Sơn cho biết: Huyện Sóc Sơn nằm ở phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm TP 30km, có điều kiện giao thông thuận lợi: Có sân bay quốc tế Nội Bài, nhiều trục đường giao thông quan trọng đi qua. Sự đa dạng về địa hình với núi, đồi, hồ, rừng… đã tạo cho Sóc Sơn có cảnh quan thiên nhiên phong phú, sơn thủy hữu tình.
Sóc Sơn, mảnh đất lắng đọng nhiều trầm tích văn hóa với những di tích lịch sử cổ kính, linh thiêng và những lễ hội dân gian đặc sắc được coi là bảo tàng sống của những phong tục, tập quán được giữ gìn từ ngàn đời. Trong đó nổi bật là lễ hội Gióng đền Sóc đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010. Di tích đền Sóc được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt năm 2014.
Không chỉ xây dựng du lịch tâm linh là sản phẩm du lịch thế mạnh tại địa phương, Sóc Sơn còn rất chú trọng khai thác các tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch trải nghiệm… trong mối liên kết với các quận, huyện và các tỉnh, TP lân cận để Sóc Sơn sớm trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, xứng tầm là “không gian du lịch” của Thủ đô theo quy hoạch phát triển du lịch của TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Tại tọa đàm, các DN lữ hành nhận định, các điểm đến du lịch tại Sóc Sơn cơ bản đã đáp ứng được các nhu cầu cần thiết để đón và phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch khá đa dạng với du lịch văn hoá, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng,... Đặc biệt, điều đáng trân quý là hệ sinh thái nơi đây vẫn còn được bảo tồn, giữ gìn gần như nguyên vẹn. Tuy nhiên, vì công tác tuyên truyền, quảng bá chưa được quan tâm đúng mức nên lượng khách đến với Sóc Sơn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Do đó, các đại biểu cho rằng, huyện Sóc Sơn cần quan tâm hơn nữa đến công tác quảng bá, xúc tiến; xây dựng hệ thống biển báo, chỉ dẫn, bảng thông tin đồng bộ; tiếp tục cải thiện cảnh quan, môi trường bằng cách trồng thêm nhiều loại hoa, thay thế các vật dụng nhựa bằng vật dụng thân thiện với môi trường; đồng thời, tạo cơ chế thuận lợi nhưng cũng phải quản lý chặt chẽ các DN kinh doanh dịch vụ trên địa bàn huyện thuận lợi hơn trong việc kinh doanh dưới tán rừng;...
Tại tọa đàm, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành - Sở Du lịch Hà Nội Trịnh Xuân Tùng cho biết: Để du lịch Sóc Sơn phát triển hơn nữa, tới đây, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ huyện xây dựng hệ thống biển, bảng chỉ dẫn; chuẩn hoá các bài thuyết minh; hỗ trợ huyện đào tạo cho đội ngũ cán bộ, người làm du lịch trên địa bàn huyện Sóc Sơn…