Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ngành đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; gắn với yêu cầu xử lý dứt điểm các vụ án tồn đọng, nhất là đối với các vụ án tham nhũng.

Cụ thể, UBND Thành phố giao Sở Tư pháp, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” Hà Nội, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường tổ chức tuyên truyền, quán triệt các quy định của pháp luật về giám định tư pháp; nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác giám định tư pháp đối với hoạt động tố tụng, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng, phát triển tổ chức giám định đáp ứng kịp thời, có chất lượng yêu cầu giám định.

UBND Thành phố cũng yêu cầu Sở Tư pháp phối hợp với Công an Thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức tiếp thu, rút kinh nghiệm nghiêm túc, đề xuất chỉ đạo khắc phục những tồn tại; dự thảo kế hoạch cụ thể về thực hiện Luật Giám định tư pháp và triển khai công tác giám định tư pháp trên địa bàn Thành phố.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Cùng với đó, đề xuất phân công lãnh đạo UBND Thành phố, thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án trực tiếp chỉ đạo công tác giám định tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ của sở, ngành gắn với yêu cầu xử lý dứt điểm các vụ án tồn đọng, nhất là đối với các vụ án tham nhũng.

Hiện nay, nhiều án tham nhũng lớn “tắc” vì giám định tư pháp. Nhiều vụ án tham nhũng liên quan đến tài chính, đất đai, xây dựng kéo dài do công tác giám định. Chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa bảo đảm, một số kết luận còn chung chung, mập mờ, không rõ ràng, không trả lời cụ thể câu hỏi của cơ quan trưng cầu đặt ra, mà nêu “chỉ có giá trị tham khảo”, không khẳng định rõ đúng sai và có dấu hiệu né tránh khiến cho các cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng, khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.

Việc củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp công lập còn chậm trễ, đến nay vẫn còn đến 16 địa phương chưa thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập. Một số bộ, ngành, địa phương chưa tổ chức rà soát để công bố tổ chức đủ điều kiện thực hiện công tác giám định. Nhiều vấn đề về kinh phí, bồi dưỡng cần phải sửa đổi.

Để khắc phục những tồn tại trên, vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu các bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường tuyên truyền, quán triệt các quy định của pháp luật về giám định tư pháp; lập kế hoạch cụ thể về thực hiện Luật Giám định tư pháp và triển khai công tác giám định tư pháp trong phạm vi ngành, địa phương; phân công lãnh đạo bộ, UBND tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo công tác giám định tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ gắn với yêu cầu xử lý dứt điểm các vụ án tồn đọng...