Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi từ chuỗi liên kết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là địa phương đứng tốp đầu cả nước về số lượng đầu con cũng như sản lượng thịt gia súc, gia cầm, đồng thời là nơi sản xuất giống vật nuôi cung cấp cho nhiều tỉnh, thành.

Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm được coi là hướng đi quan trọng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho ngành chăn nuôi TP.

Nhiều thuận lợi

Hiện nay, Hà Nội có 18 huyện, thị xã với 4,2 triệu người dân sống tại vùng nông thôn, chiếm trên 50% dân số theo nhân khẩu của TP. Đây là khu vực lưu giữ truyền thống văn hóa lâu đời và cũng là nơi cung cấp sản phẩm nông nghiệp chính cho Thủ đô.

Khu vực ngoại thành cũng là một thị trường tiêu dùng lớn với 828 chợ nông thôn, trong đó có những chợ ở các xã đông dân cư tiêu thụ tới 4 - 5 tấn thịt các loại mỗi ngày. Vì vậy, việc phát triển song song thị trường đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi ở khu vực này với việc phát triển sản xuất để cạnh tranh và hội nhập là vô cùng quan trọng. Đây chính là giải pháp mang tính nền tảng, là cơ sở để ngành chăn nuôi Hà Nội đủ sức cạnh tranh trên sân nhà và nâng cao khả năng hội nhập quốc tế.
Ký kết xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm tại huyện Phúc Thọ. 	Ảnh: Tạ Tường
Ký kết xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: Tạ Tường
Với góc nhìn như vậy, hiện nay, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội (Trung tâm) đang tích cực tư vấn cho các địa phương xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm khép kín ngay trên địa bàn xã. Đây là hình thức liên kết rất thuận lợi khi mà cơ bản các xã đều có chợ truyền thống.

Thêm vào đó, các tác nhân của chuỗi liên kết như người chăn nuôi, cơ sở giết mổ và hộ bán thịt đều là ở địa phương. Về mặt quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương có đủ các điều kiện cần thiết để chỉ đạo thành công việc xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm ngay trên địa bàn. Đó là mỗi xã đều có đội ngũ cán bộ thú y cơ sở được hưởng chế độ như viên chức Nhà nước, có bộ máy tổ chức chính quyền và các tổ chức chính trị, các đoàn thể để thông tin, tuyên truyền.

 Do vậy, một khi lãnh đạo các xã quan tâm chỉ đạo thì các liên kết này sẽ chắc chắn thành công, đem lại lợi ích ổn định cho người chăn nuôi. Đồng thời, người dân cũng được sử dụng thực phẩm an toàn và có cơ sở chắc chắn để tin tưởng vào chất lượng thực phẩm mà mình sử dụng. Mặt khác, nếu tổ chức được các chuỗi liên kết này, khi hội nhập quốc tế, thực phẩm nhập ngoại dù có rẻ thì sản phẩm chăn nuôi của Hà Nội vẫn có thể cạnh tranh được.

Đảm bảo truy xuất nguồn gốc

Việc liên kết chuỗi chăn nuôi - tiêu thụ tại địa phương chính là liên kết các tác nhân từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm khép kín trong một xã. Cách thức là người cung cấp nguyên liệu đầu vào liên kết với người chăn nuôi, rồi liên kết giữa những người chăn nuôi thành tổ chức như chi hội, hiệp hội, tổ hợp tác, HTX chăn nuôi… để có đủ sức mạnh liên kết với các DN. Ngoài ra, chuỗi liên kết còn có sự tham gia của cơ sở giết mổ và tiêu thụ tại chợ truyền thống ở địa phương để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế có sự ràng buộc chặt chẽ về quyền lợi và trách nhiệm của các bên.

Muốn thực hiện được nhiệm vụ của Trung tâm là xác nhận sản phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc thì các khâu trong liên kết đều phải lấy mẫu, lưu mẫu có niêm phong và chịu sự quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng. Nếu qua kiểm tra hàng hóa lưu thông phát hiện có vi phạm, cơ quan chức năng chỉ cần phân tích các mẫu niêm phong sẽ truy xuất được sai phạm ở khâu nào. Đây chính là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn những sai phạm ảnh hưởng tới xã hội và cũng là cơ sở để người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, từ đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho chuỗi.

Để thực hiện nội dung này, Trung tâm đã có 2 văn bản hướng dẫn gửi tới các huyện, thị xã. Đồng thời, lựa chọn các DN cung cấp đầu vào, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi để tư vấn, kết nối tham gia vào xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm tại địa phương. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức nhiều hội nghị tư vấn cho các huyện, lãnh đạo các xã, các chủ hộ chăn nuôi, giết mổ, bán thịt tại các địa phương. Kết quả đến nay, Trung tâm đã tư vấn xây dựng được 3 chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ thịt lợn an toàn được nuôi bằng thức ăn sinh học tại xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ), xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) và xã Vân Tảo (huyện Thường Tín). Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường công tác tư vấn xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm tại các địa phương.