Dự án sẽ được thực hiện trong khuôn khổ của Hiệp định hợp tác kỹ thuật, dự kiến được triển khai từ tháng 3 năm 2019 đến tháng 3 năm 2021 nhằm nâng cao năng lực của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính cũng như phi tài chính đáp ứng nhu cầu của phụ nữ tại địa phương.
Trong khuôn khổ dự án, JICA và Hội LHPN Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ triển khai hoạt động đào tạo cho các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính (ví dụ: các tổ chức tài chính vi mô chính thức, các chương trình tài chính vi mô, các ngân hàng thương mại…) những kiến thức cơ bản về tài chính toàn diện đáp ứng giới và các thực hành tốt từ các nước khác.
Đồng thời, Dự án sẽ hỗ trợ một số đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính phát triển các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu đa dạng tại các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống của người phụ nữ. Các bài học và kinh nghiệm thực tiễn thu được từ Dự án sẽ được chia sẻ với các nhà hoạch định chính sách Việt Nam phục vụ công tác xây dựng chính sách thúc đẩy tài chính toàn diện.
Tại Việt Nam, chỉ 31% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, 14% người trưởng thành có tiền gửi tiết kiệm tại các tổ chức tài chính và 21% vay tiền từ các tổ chức tài chính chính thức.
Một số tổ chức tài chính bao gồm các ngân hàng quốc doanh, các tổ chức và chương trình tài chính vi mô đã và đang cung cấp dịch vụ tài chính vi mô cho phân khúc người nghèo và người có thu nhập thấp. Mặc dù phần lớn khách hàng của các dịch vụ tài chính vi mô là phụ nữ, nhưng sự đa dạng của các sản phẩm tài chính hiện có cho phụ nữ khá hạn chế. Kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra rằng tài chính toàn diện cho phụ nữ đem lại rất nhiều lợi ích cho xã hội bên cạnh việc cải thiện mức độ hạnh phúc cho chính những người phụ nữ.
Tài chính toàn diện cho phụ nữ đòi hỏi phát triển các dịch vụ có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của phụ nữ ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống cũng như phương pháp phân phối các sản phẩm đó theo cách dễ tiếp cận và trong khả năng tài chính của người phụ nữ. Ngoài ra, một môi trường chính sách thuận lợi là vô cùng cần thiết để khuyến khích các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính đưa ra các sản phẩm thân thiện cho phụ nữ và do đó, nhu cầu đáp ứng về giới cần phải được tích hợp trong chính sách tài chính toàn diện quốc gia.
Để giải quyết những vấn đề này, năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ thúc đẩy tài chính toàn diện đáp ứng giới dưới dạng hợp tác kỹ thuật.
Đối với JICA, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là điều thiết yếu để đạt được mục tiêu “phát triển toàn diện” mà JICA đang hướng tới. Tại nhiều nước, JICA mở rộng hợp tác trong phát triển các chính sách và hệ thống khuyến khích bình đẳng giới, thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ thông qua các hoạt động bao gồm nâng cao sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giáo dục cho phụ nữ, hỗ trợ doanh nhân nữ, nâng cao năng lực nhằm đối phó với nạn bạo hành phụ nữ, hỗ trợ an ninh và đào tạo cho những nạn nhân của nạn mua bán người.