Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng cao vai trò tổ chức Hội trong hoạt động báo chí

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cấp Hội Nhà báo Việt Nam tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho người làm báo, hội viên. Đó là một trong những yêu cầu được nhấn mạnh trong Chỉ thị số 43-CT/TƯ “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới” vừa được Ban Bí thư ban hành ngày 8/4/2020.

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tác nghiệp tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thanh Hải
Theo đó, Ban Bí thư nhận định, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TƯ, ngày 18/3/2004 của Ban Bí thư T.Ư Đảng khóa IX, Hội Nhà báo Việt Nam không ngừng được củng cố và phát triển, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Hội đã tích cực tham gia xây dựng cơ chế và chính sách báo chí, giám sát việc tuân thủ pháp luật về báo chí, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của báo chí cách mạng Việt Nam… Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số tổ chức hội còn hạn chế; vẫn còn tình trạng hoạt động báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích; một số người làm báo thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp...
Từ những nguyên nhân được chỉ ra cũng như yêu cầu thực tiễn đòi hỏi, để nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với báo chí theo hướng bảo đảm báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và quyền tự do, dân chủ của Nhân dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chủ quản báo chí định kỳ làm việc với các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam để cung cấp thông tin cần thiết đối với những vấn đề dư luận quan tâm, kịp thời định hướng tuyên truyền; phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động báo chí và hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.
Tạo điều kiện thuận lợi để hội nhà báo các cấp hoạt động hiệu quả, phát huy tốt vai trò, vị trí của hội trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội… Đồng thời, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Trong đó, có việc phổ biến các luật, quy tắc đạo đức, nghề nghiệp; nâng trình độ, nghiệp vụ, kỹ năng làm báo cho hội viên bằng các hình thức đào tạo phù hợp. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh người làm báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp…
Ban Bí thư cũng giao lãnh đạo các cấp hội phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý báo chí, đội ngũ người làm báo. Tham gia công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, lãnh đạo các cấp hội, có cơ chế để thu hút cán bộ có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý làm công tác hội. Quan tâm hơn nữa việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên; động viên khen thưởng xứng đáng, kịp thời đối với các đơn vị và cá nhân xuất sắc trong hoạt động báo chí, công tác hội.
Trong Chỉ thị, Ban Bí thư giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về báo chí. Quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam...