Nâng cao ý thức người dân để phòng chống cháy, nổ có hiệu quả: Mỗi người dân phải là chiến sĩ cứu hỏa

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người dân phải làm gì khi cháy, nổ xảy ra; Những kỹ năng quan trọng xử lý hỏa hoạn; Các biện pháp phòng ngừa; quy định mới của pháp luật về PCCC… Đó là những nội dung chia sẻ tại buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Nâng cao ý thức người dân để phòng chống cháy, nổ có hiệu quả” do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức ngày 13/11.

 Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đạt Lê
Thiệt hại hơn 7 tỷ đồng do cháy

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà cho biết: "Trong những năm gần đây, tại Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy với hậu quả nghiêm trọng. TP Hà Nội và các cấp chính quyền, đặc biệt là lực lượng PCCC đã tích cực tham gia tuyên truyền và vận động, qua đó giúp giảm số lượng các vụ cháy trên địa bàn trong thời gian qua. Tuy nhiên, trước mật độ dân cư ngày càng cao, số lượng phương tiện giao thông gia tăng, cùng với sự phát triển của các làng nghề, thì nguy cơ cháy nổ ngày càng cao. Buổi tọa đàm trực tuyến được tổ chức nhằm nâng cao ý thức người dân, đặc biệt là ở các khu dân cư với mục tiêu giảm thấp nhất nguy cơ cháy nổ”. Lấy dẫn chứng cụ thể, tại buổi giao lưu, Đại úy Đỗ Tuấn Anh - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TP Hà Nội cho biết: Tính đến tháng 10 năm 2020, trên địa bàn TP xảy ra 329 vụ cháy (7 vụ cháy lớn, 3 vụ cháy nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 114 vụ cháy trung bình, 192 vụ cháy nhỏ, 12 vụ cháy rừng). Thiệt hại về người: 6 người chết, 23 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 7,3 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 520 vụ chập điện trên cột, 640 sự cố. So với cùng kỳ năm 2019 chúng ta đã giảm được 123 vụ, 10 người chết, 4 người bị thương; thiệt hại về tài sản giảm hơn 200 tỷ đồng.

Theo Đại úy Đỗ Tuấn Anh, hiện nay, trong quá trình thực tế và trong công tác chiến đấu, lực lượng PCCC & CNCH của Công an TP còn rất nhiều khó khăn. Trong khi tình hình cháy nổ ngày càng phức tạp, các loại hình đám cháy phát sinh nhiều nguy hiểm, người dân cần hiểu và chia sẻ về những nguy hiểm của lực lượng PCCC & CNCH.

Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH cũng thông tin về những khó khăn trong quá trình chiến đấu chống cháy, nổ và CNCH như: Phương tiện đang sử dụng trong chữa chữa, xe chữa cháy có thời gian sử dụng lâu năm. Trang phục, đồ bảo hộ của cán bộ, chiến sĩ có sự thay đổi nhưng không đáng kể. Do đó, về mức độ an toàn chưa thật sự đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ. Hiện nay, lực lượng Cảnh sát PCCC có xe thang cao nhất là 52m có thể tiếp cận các vụ cháy tại các chung cư, nhà cao tầng tương đương 17 – 18 tầng. Tuy nhiên, phương tiện là một phần nhưng đối với các công trình thì luôn có quy định cụ thể về tiêu chuẩn nhà cao tầng. Trong đó, cảnh sát phải thẩm duyệt về hệ thống chữa cháy, có các họng nước, vách tường giúp đưa nước tiếp cận các đám cháy...

“Với sự hạn chế về trang thiết bị, chúng tôi phải chấp nhận nguy hiểm để lao vào đám cháy, có những trường hợp khi gặp nạn nhân chúng tôi phải nhường luồng dưỡng khí cho nạn nhân. Ví như, trong vụ cháy ở Núi Trúc (Hà Nội), các cán bộ phải đi qua những cầu thang chật hẹp và phải cởi bỏ trang bị để tiếp cận cứu người. Đối với những trường hợp thương vong trong quá trình chữa cháy, CNCH, chúng tôi luôn có gắng đảm bảo quyền lợi, nhưng còn một số vấn đề về pháp lý dẫn đến chưa thể hoàn thành tâm nguyện của các gia đình. Đây là điều khiến chúng tôi luôn đau đáu và do đó luôn dành cho nhau nhiều sự quan tâm, nhất là khi trong lực lượng Công an Nhân dân, lực lượng PCCC & CNCH là lực lượng chiến đấu trực tiếp”- Đại úy Tuấn Anh chia sẻ.

Giải pháp nào để PCCC hiệu quả?

Nhiều câu hỏi của độc giả quan tâm đến những kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ. Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh – Giảng viên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy cho hay: Theo thống kê của Cảnh sát PCCC Hà Nội, hàng năm số vụ, số người chết cũng không hề giảm (khoảng dưới 100 người) trong 5 năm trở lại đây. Theo số liệu thống kê này, người chết trong các vụ cháy thì Việt Nam vẫn đang thuộc top đầu thế giới. Kỹ năng về chữa cháy, thoát nạn, người dân cần chủ động tự học, tự trang bị, những hướng dẫn dạng này rất phổ biến trên mạng. Ngoài ra, cần nghiêm túc thực hiện, học hỏi những kiến thức, thực hành mà các lực lượng PCCC chuyên nghiệp phổ biến, hướng dẫn, tuyên truyền tại khu dân cư, cơ sở…

“Bên cạnh đó, cần học cách quan sát và ghi nhớ về đường thoát, phương tiện PCCC ở đâu. Đặc biệt, khi vào trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, quán bar, karaoke… chỉ cần từ 5 - 7 giây để quan sát lối thoát hiểm nhưng rất hữu ích nếu xảy ra sự cố. Ngoài ra cũng cần học cách sử dụng đúng các phương tiện PCCC như bình chữa cháy, kỹ năng khác như thoát hiểm theo hướng nào cũng cần được trang bị kỹ càng… Và để chống “giặc lửa” hiệu quả thì đòi hỏi mỗi người dân là chiến sĩ cứu hỏa”- PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.

Một trong những vấn đề bạn đọc quan tâm đó là thực trạng xảy ra cháy, nổ phương tiện, ô tô, xe máy... PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh cho hay: Phương tiện giao thông trở người từ 7 - 9 chỗ hoặc lớn hơn, đứng trên góc độ PCCC phải đảm bảo điều kiện: Lái, phụ xe phải trang bị kiến thức cơ bản về PCCC; trang bị bình chữa cháy, búa thoát hiểm... Bản thân người lái xe và phụ xe cũng cần phải biết sử dụng các dụng cụ PCCC, những phương án xử lý. Về chức năng kiểm tra PCCC, trong quá trình di chuyển và lưu thông trên đường lực lượng CSGT có thể thực hiện việc này...

Đưa đến từng tổ dân phố, từng người dân

Tại buổi tọa đàm, Thượng tá Bùi Trọng Quát – Phó Trưởng Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng chia sẻ về mô hình “Khu dân cư an toàn về PCCC” với 8 tiêu chí đã được quận Thanh Xuân đầu tư, xây dựng và phát triển sâu rộng, triển khai 11 khu dân cư trên địa bàn 11 phường. Mô hình này được đánh giá là nhân tố quan trọng thực hiện tốt công tác PCCC trên địa bàn. Với nguyên tắc “Mọi hoạt động PCCC trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ”, đồng thời thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo xử lý, cứu chữa kịp thời khi có sự cố cháy, nổ, hạn chế cháy lan, từng bước làm giảm thiểu số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra tại các khu dân cư.

Sau một năm thực hiện mô hình điểm tại các khu dân cư được lựa chọn, về cơ bản đã triển khai thực hiện và đảm bảo về các tiêu chí đối với “Khu dân cư an toàn PCCC”. Công tác PCCC&CNCH bước đầu đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả tích cực. Những mô hình, cách làm hay được triển khai thực hiện có chiều sâu như mô hình: Phủ kín bình chữa cháy tại phường Thượng Đình, phường Thanh Xuân Nam; Mô hình xe máy chữa cháy của phường Khương Trung; Nhóm zalo báo cháy của phường Khương Đình... Qua đó, các vụ cháy, nổ đối với các khu dân cư an toàn PCCC được kiềm chế, không để xảy ra cháy lớn (chiếm 2/41 sự, vụ trên toàn địa bàn) và đã được lực lượng dân phòng, lực lượng tại chỗ dập tắt…
Điều mà chúng tôi mong mỏi đối với người dân là khi xảy ra đám cháy và chờ lực lượng chuyên nghiệp đến, đây là khoảng thời gian vàng khi đám cháy mới xuất hiện, thì chính người dân tại chỗ mới là lực lượng chữa cháy hiệu quả nhất. Do đó, nếu xử lý được thì sẽ giảm thiểu rất nhiều về thiệt hại…

Đại úy Đỗ Tuấn Anh - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH.