Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo cũng như đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) 2016 ở mức cao nhất, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã vào cuộc quyết liệt.

Chỉ tiêu đào tạo nghề còn thấp

Sáng 16/8, tại Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo và đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Đặng Văn Bất thông tin: Theo kết quả điều tra hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều, toàn TP có 65.377 hộ nghèo, chiếm 3,64% tổng số hộ dân và có 34.005 hộ cận nghèo, chiếm 1,89%. Thực hiện các chương trình, chính sách về giảm nghèo, trong 6 tháng đầu năm 2016 đã có 4.925 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn; 386.782 người nghèo, cận nghèo, người dân các xã thuộc chương trình 135 được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện...
Nghề dệt tại Phùng Xá, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Thanh Hải
Nghề dệt tại Phùng Xá, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Thanh Hải
Về đào tạo nghề, lãnh đạo Sở LĐTB&XH cho biết vẫn còn tình trạng nhu cầu học nghề chưa sát với thực tế; việc tuyên truyền, tư vấn cho người lao động chọn và học nghề chưa phù hợp. Vì thế, kết quả giải quyết việc làm cho LĐNT chưa cao, chỉ 25,3% lao động được DN tuyển dụng, đơn vị bao tiêu sản phẩm.

Tập trung vào chất lượng
Để góp phần giảm 1,3% hộ nghèo (khoảng 27.000 hộ) trong năm 2016, TP Hà Nội phấn đấu đào tạo nghề cho 30.490 LĐNT với tổng kinh phí 69,815 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm đã có 10/20 quận, huyện và thị xã tổ chức 149 lớp đào tạo nghề cho LĐNT với 5.110 người tham gia, đạt 17%.

Tại hội nghị này, nhiều giải pháp thực hiện đã được các quận, huyện, thị xã cũng như sở, ngành đưa ra để việc đào tạo nghề đạt hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề cho LĐNT, thì cần tư vấn, hỗ trợ cho người lao động lựa chọn nghề, học nghề và giải quyết việc làm sau học nghề. Việc điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động phải bám sát thực tế, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương để tạo thuận lợi giúp LĐNT tìm việc làm... Ngoài ra, đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội tăng cường nguồn vốn vay cho các hộ nghèo. Đại diện của UBND huyện Chương Mỹ đề nghị TP nâng mức phí hỗ trợ đào tạo nghề. Với 2 triệu đồng đào tạo nghề/học viên trong 3 tháng rất khó đạt các kỹ năng tay nghề để DN tuyển dụng. Trong khi ấy, để thực hiện tốt công tác hướng nghiệp đào tạo nghề đồng nghĩa giảm nghèo bền vững, quận Long Biên chia sẻ xây dựng đề án tăng nguồn vốn cho vay. Một điểm giao dịch việc làm vệ tinh được ra mắt và hoạt động trên địa bàn quận, là địa điểm tin cậy cho người lao động khi mất việc tìm đến.

Trước những ý kiến đề nghị điều chỉnh kế hoạch giảm nghèo vì chỉ tiêu cao, trong khi từ nay đến cuối năm còn vài tháng, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết: "Tinh thần của TP là không điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch. Chúng ta thực hiện với tinh thần quyết tâm cao nhất trong điều kiện cụ thể của TP và từng quận, huyện, xã, phường. Và phải coi công tác tuyên truyền dạy nghề cho LĐNT là nhiệm vụ hết sức quan trọng để giải quyết việc làm cũng như giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của Thủ đô. Vì thế, các quận, huyện rà soát thật kỹ nhu cầu học nghề, phân loại". Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra và giám sát từng lớp, từng chương trình, giáo trình, thời gian học, ghi tên người học, hiệu quả; đồng thời nhấn mạnh: Quan điểm của TP không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng, dạy đến đâu được đến đó. Năm nay TP giao đào tạo cho 30.000 người nhưng nếu thực hiện được 10.000 mà chất lượng cao còn hơn đạt kế hoạch nhưng chất lượng không đáp ứng yêu cầu.