Thống kê cho thấy, trong năm vừa qua, cấp quận, huyện và phường, xã đã triển khai hơn 4.000 cuộc giám sát, hơn 150 phiên giải trình. Từ những kinh nghiệm của HĐND TP như hoạt động giám sát, khảo sát có trọng tâm, trọng điểm; xác định rõ lộ trình, không chồng chéo về nội dung, đối tượng, địa điểm, thời gian; kết quả giám sát đều được công khai để Nhân dân biết, tham gia giám sát..., HĐND các địa phương đã vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tế. Trong đó, Thường trực HĐND các quận, huyện như Hoàng Mai, Thạch Thất, Phú Xuyên, Quốc Oai, Mê Linh đã tổ chức phiên giải trình giữa hai kỳ họp về các nội dung quan trọng, bức xúc trên địa bàn, được cử tri và Nhân dân quan tâm. HĐND quận Hà Đông đẩy mạnh giám sát, khảo sát với 38 cuộc; HĐND thị xã Sơn Tây tổ chức được 48 cuộc; Thường trực HĐND quận Long Biên tổ chức 11 cuộc; HĐND huyện Ba Vì tổ chức gần 20 cuộc…
|
Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam phát biểu tại buổi làm việc với sở Nội vụ Hà Nội. Ảnh: Trần Thảo |
Nói rõ hơn về phiên giải trình, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn cho biết, trong hơn 4 tiếng, UBND huyện và trưởng các phòng, ban của huyện đã giải trình các nội dung trong kết luận chất vấn các kỳ họp HĐND huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021; 16 thông báo kết luận giám sát của Thường trực, các ban HĐND huyện và kiến nghị của cử tri. Phiên giải trình được đánh giá là thành công và giúp thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐND huyện Phú Xuyên Phạm Hải Hoa cũng cho biết, HĐND huyện đã tổ chức thành công phiên giải trình về kết quả thu nợ thuế, phí, tiền thuê đất trên địa bàn. Phiên giải trình của Thường trực HĐND huyện diễn ra đã có tác động tích cực, làm mẫu để HĐND cấp xã triển khai.
Tiếp tục nâng chất lượngTừ thực tế, nhiều địa phương cũng dự kiến những giải pháp tiếp tục nâng chất lượng giám sát, chất vấn, giải trình trong năm nay. Như Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai Lê Minh Trường cho biết, HĐND quận sẽ tích cực nắm tình hình, nhất là vấn đề nóng, cử tri kiến nghị nhiều để đưa vào nội dung phiên chất vấn của kỳ họp và phiên giải trình của Thường trực HĐND quận.
Còn theo Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Lê Tiến Nhật, HĐND quận đã học tập và áp dụng phương pháp của HĐND TP, chuẩn bị kỹ các phiên chất vấn, trả lời chất vấn, mở rộng đối tượng trả lời là Chủ tịch UBND các phường. Dù vậy, để tăng hiệu quả hoạt động của HĐND cần tuyên truyền, định hướng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi đại biểu HĐND trước cử tri và Nhân dân.
Nhận xét về hoạt động chất vấn của HĐND cấp huyện, cấp xã, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng đã có nhiều đổi mới. Việc giám sát, khảo sát tăng về số lượng, hình thức đổi mới và theo đến cùng vấn đề. Theo Chủ tịch HĐND TP, khi vấn đề xảy ra các vấn đề bức xúc, HĐND các cấp vào cuộc ngay để kiến nghị giải quyết nhiều nội dung, được cử tri ghi nhận. Giám sát chuyên đề cũng đã đổi mới theo sát tới cơ sở, tăng mạnh cả ở cấp quận, huyện, xã, phường. Với hoạt động lần đầu tiên được tổ chức là phiên giải trình, HĐND các cấp đã vào cuộc tích cực, hiệu lực, hiệu quả của HĐND các cấp ngày càng được nâng cao, đang tiến tới đích là người đại diện cho dân một cách xứng đáng.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã chưa chú trọng nâng cao kỹ năng hoạt động nghị trường; hoạt động chất vấn của HĐND một số địa phương vẫn chưa thực chất, hiệu quả. Nhiều đơn vị còn nhầm lẫn giữa phiên họp của Thường trực HĐND với phiên giải trình. “Năm 2018, HĐND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn cần tăng cường tổ chức phiên giải trình theo hướng đổi mới. Trong đó, cần mở rộng đối tượng giải trình là Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn” - Chủ tịch HĐND TP yêu cầu.