Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng chuẩn giáo viên, có xóa được nạn bạo hành trẻ?

Nguyễn Đặng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyển dụng dễ dãi, đào tạo hời hợt và kiểm soát lỏng lẻo… là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ bạo hành trẻ do giáo viên (GV) thiếu trình độ, tình yêu trẻ. Để siết tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã đưa ra dự thảo về chuẩn nghề nghiệp dành cho GV mầm non với nhiều tiêu chí khắt khe.

 Giờ chơi của cô và trò trường Mầm non Thanh Xuân Bắc. Ảnh: Hải Linh
Không cần bằng vẫn... dạy tốt
Năm 2014, cô N.T.P. (Đông Anh, Hà Nội) tốt nghiệp trường Trung cấp Dược Hà Nội. Ra trường một thời gian không tìm được việc làm đúng ngành, P. quyết định tìm việc khác. Được người quen giới thiệu, P. được nhận vào làm GV của một trường mầm non tư thục. Chưa một ngày đứng lớp dạy trẻ, nên thời gian đầu P. được bố trí làm bảo mẫu với mức lương hơn 2,5 triệu đồng/tháng. Một thời gian sau, cô giáo chính nghỉ sinh, P. được “nhấc lên” làm GV trực tiếp đứng lớp dạy trẻ 4 tuổi với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng. Hiện tại, cô là GV “cứng” của trường và vẫn phải... nợ bằng.

Trường hợp như P. không phải hiếm. Mỗi ngày, trên các diễn đàn dành cho GV mầm non, các trường mầm non tư thục liên tiếp đăng tải thông tin tuyển dụng GV đứng lớp với yêu cầu khá dễ dãi như: Đối với GV chính học đúng chuyên ngành mầm non nhưng chấp nhận cho nợ bằng; chấp nhận sinh viên đi dạy vào thứ Bảy, Chủ nhật; đối với GV phụ không yêu cầu bằng cấp, chấp nhận trái nghề. Thậm chí, nhiều trường chỉ cần có người đi làm ngay chấp nhận vừa làm vừa... đào tạo.

Việc tuyển dụng dễ dãi để lọt những GV thiếu chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu lòng yêu trẻ liệu có phải là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ bạo hành trẻ mầm non? Câu hỏi này hoàn toàn có cơ sở. Thực tế, GV trường mầm non tư thục ABC (TP Vinh, Nghệ An) bị chấm dứt hợp đồng vì hành vi kẹp, tát bé trai 2 tuổi là trường hợp mới đi dạy vài tháng. Rồi trước đó, cô Trần Thị Bích Ngọc – GV lớp Lá 1 trường Mầm non 30/4 (quận 1, TP Hồ Chí Minh) bị tố cáo vì dùng vật nhựa cứng đánh vào người học sinh...
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT cho rằng, trẻ bị bạo hành có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan do thiếu GV mầm non chăm sóc trẻ (toàn quốc chỉ có 1,76 GV/nhóm trẻ (25 học sinh), trong khi đó theo quy định chuẩn phải có 2,5 GV/nhóm trẻ). Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do GV không có lòng yêu trẻ, không có ý thức trách nhiệm của nhà giáo và không tâm huyết với nghề, trong khi khâu sơ tuyển GV mầm non ở một số cơ sở chưa đạt.

5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí chưa đủ!

Để khắc phục tình trạng này, mới đây, Bộ GD&ĐT đã đưa ra Dự thảo chuẩn nghề nghiệp cho GV mầm non với hàng loạt tiêu chí khắt khe, cụ thể hơn. Đặc biệt, các tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp, năng khiếu sư phạm và lòng yêu trẻ được đề cao đối với ngành học đặc thù này.

Cụ thể, GV mầm non đạt chuẩn trình độ sẽ phải hội tụ đủ 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí. Trong đó, 5 tiêu chí bao gồm: Phẩm chất nghề nghiệp; Năng lực chuyên môn; Năng lực nghiệp vụ sư phạm; Năng lực xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, dân chủ và năng lực xây dựng quan hệ xã hội.
Trong 15 tiêu chuẩn, dự thảo nhấn mạnh việc GV mầm non phải yêu thương, tôn trọng, thân thiện với học sinh; giữ gìn đạo đức, uy tín, lương tâm nhà giáo. Đáp ứng năng lực chuyên môn và năng lực nghiệp vụ sư phạm, GV mầm non phải có khả năng nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe của trẻ; năng lực phát triển toàn diện cho trẻ và năng lực đánh giá sự phát triển của trẻ…
Ngoài ra GV còn phải có khả năng phát hiện, đề xuất loại trừ các yếu tố nguy cơ gây bạo lực và thực hiện các biện pháp xử lý tình huống nhằm đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ... Để đảm bảo việc thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra những mức xếp loại tương ứng với từ “đạt, khá, tốt” kèm theo các tiêu chuẩn để đánh giá GV mầm non theo cấp độ.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, đi kèm với những yêu cầu khắt khe về trình độ, nghiệp vụ, đạo đức sư phạm, cũng cần những cơ chế phù hợp về lương, phụ cấp cho GV mầm non – cấp học quan trọng, đặc thù và nhiều áp lực nhất. TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội bày tỏ: “Để chấm dứt bạo lực trẻ ở bậc học mầm non ngoài việc tạo môi trường sư phạm tốt giảm áp lực cho GV, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp còn cần phải mạnh tay sàng lọc những GV không đủ năng lực phẩm chất”.
Nhiều chuyên gia giáo dục khác cũng cho rằng, GV mầm non không những cần "đầu vào" tốt, mà cần phải thường xuyên đào tạo và đào tạo lại. Bên cạnh đó, vấn đề đạo đức nhà giáo cần được chú trọng hàng đầu. Khi phát hiện, GV có vấn đề về đạo đức sư phạm, nhà trường cần phải vào cuộc ngay để tìm hiểu và có biện pháp chấn chỉnh.

Còn PGS.TS Bùi Thị An – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội lại cho rằng: Bên cạnh việc đưa ra các tiêu chí, cần có yêu cầu bắt buộc các cơ sở mầm non phải công khai số lượng, trình độ GV, cơ sở vật chất và số lượng học sinh... để xã hội, phụ huynh giám sát, lựa chọn. Những cơ sở nào không đủ các điều kiện trên phải dứt khoát loại bỏ ra khỏi hệ thống.