Đa phần sản phẩm chưa có thương hiệu
Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, từ năm 2008, Việt Nam đã có trên 40 mặt hàng đạt tiêu chí chỉ dẫn địa lý quốc gia. 750 mặt hàng đặc sản khác nhau đã đem lại thu nhập, việc làm cho hơn 10 triệu lao động.
Thực tế cho thấy, mặc dù tiềm năng và nhu cầu đối với các đặc sản vùng miền Việt Nam là rất lớn nhưng việc phát triển các sản phẩm này còn nhiều hạn chế. Trong khi nhận thức về tiềm năng phát triển sản phẩm chưa đầy đủ, chưa có sự đánh giá và xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài dựa trên những tiêu chí đánh giá, xây dựng giá trị thương hiệu sản phẩm đặc sản tại mỗi địa phương.
Nguyên nhân của tình trạng này là do DN vẫn chủ yếu bán sản phẩm thô, để DN nước ngoài gắn thương hiệu của họ trước khi bán ra thị trường…
Tại hội nghị giao thương kết nối cung - cầu năm 2018 do UBND TP Hà Nội vừa tổ chức, đại diện hệ thống siêu thị Vinmart Vũ Thị Hậu cho biết, hiện nay các siêu thị yêu cầu sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng bảo hộ, trong khi đó, đa phần sản phẩm đặc sản vùng miền trong nước do các cơ sở nhỏ lẻ làm nên hầu như không đăng ký bảo hộ.
Bên cạnh đó, hiện các nguồn cung cấp đặc sản vùng miền vẫn phát triển theo hướng tự phát, sản xuất theo dạng thủ công rời rạc, công nghệ lạc hậu nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng. Đồng thời do làm theo mùa vụ, thụ động trong khâu sản xuất, chế biến nên nguồn hàng cung cấp không ổn định... Điều này dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của sản phẩm thấp; việc tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Cách làm đúng sẽ mang lại hiệu quả cao
Để khắc phục những bất cập nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm bền vững, ổn định, đòi hỏi các địa phương, DN sản xuất đặc sản vùng miền cần tăng cường hoạt động liên kết, quảng bá sản phẩm tại các tỉnh, thành có thị trường tiêu thụ lớn. Phân tích về lợi ích mà hoạt động kết nối tiêu thụ đặc sản vùng miền mang lại, Việt Nam đang gia nhập thị trường toàn cầu với việc thực hiện các cam kết FTA, CPTPP, AEC…
Đây là cơ hội cho đặc sản vùng miền mở rộng thị trường tiêu thụ sang nước ngoài. Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam Lê Bá Ngọc cho rằng, để làm được điều này, Nhà nước cần phải chủ trì những chương trình truyền thông, quảng bá các thương hiệu đặc sản vùng miền; hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách cho các chương trình kết nối các địa phương để hình thành hệ thống cung ứng và phân phối hàng hóa, đảm bảo yêu cầu chất lượng và nguồn gốc.
Bên cạnh đó, mỗi địa phương cũng phải hợp tác chặt chẽ với từng thị trường tiêu thụ bằng cách thông qua những chính sách cụ thể, khuyến khích DN địa phương tham gia; đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đảm bảo...
Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, DN trong quá trình sản xuất đặc sản địa phương cần xây dựng kế hoạch rõ ràng, dài hạn với mục tiêu cụ thể, thay vì lập kế hoạch từng năm. Cùng với đó, cần có các hội chợ đặc sản vùng miền ở quy mô địa phương, quy mô quốc gia, qua đó tạo thêm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Đồng thời thiết lập và thúc đẩy hệ thống phân phối thông qua các trung tâm phân phối đặc sản vùng, từ đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Từ năm 2016 đến nay, TP Hà Nội đã hỗ trợ DN 46 tỉnh, thành đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối nước ngoài tiêu thụ như: Hệ thống AEON - Nhật Bản, hệ thống Lottemart - Hàn Quốc; Hệ thống của Tập đoàn Centragroup (Thái Lan); Chợ đầu mối Rungis (Pháp)... Tuy nhiên, các DN vẫn cần đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ, tức là kết nối đặc sản với các vùng du lịch để du khách nước ngoài khi đến du lịch có thể mua và quảng bá cho đặc sản vùng đó. Đây là cách mà Nhật Bản, Thái Lan đã làm thành công mà DN Việt Nam phải học tập. Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng |