Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng giá trị sản phẩm OCOP

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 – 2020, UBND TP Hà Nội đã sớm ban hành kế hoạch và chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ.

301 sản phẩm được cấp sao
Cụ thể hóa việc triển khai Chương trình OCOP, Hà Nội đã thành lập các đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Kạn, Nam Định và Hà Tĩnh. Một hội nghị OCOP cấp TP, 28 hội nghị quán triệt, triển khai Chương trình OCOP và 16 lớp đào tạo, tập huấn cho đối tượng tham gia thực hiện chương trình tại các quận, huyện, thị xã cũng được tiến hành.
Nón lá làng Chuông, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) được giới thiệu tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng
Với sự vào cuộc chủ động của các sở, ngành, địa phương và chủ thể, đến nay 301 sản phẩm OCOP của 18 quận, huyện, thị xã đã được TP đánh giá, phân hạng. Trong đó, có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang đề nghị T.Ư công nhận là sản phẩm OCOP cấp Quốc gia; 207 sản phẩm được TP cấp 4 sao và 88 sản phẩm được TP phân hạng 3 sao. Hiện, trên 100 sản phẩm khác cũng đã hoàn thiện hồ sơ, đang trong quá trình đánh giá cấp quận, huyện để tiếp tục trình TP xem xét.
Cùng với đánh giá, phân hạng để cấp sao, TP đã tổ chức 4 sự kiện kết nối tiêu thụ đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP tại huyện Thường Tín, Siêu thị Big C Thăng Long và Không gian văn hóa - ẩm thực phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ (2 sự kiện). Đặc biệt là Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2019.
Bên cạnh đó, 200 sản phẩm của 10 DN cũng đã được giới thiệu tại Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên. Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm OCOP của Hà Nội đến với đông đảo người tiêu dùng. 
Đưa OCOP thành một “thương hiệu”
Dù đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên việc phát triển các sản phẩm OCOP của Hà Nội vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế. Nổi cộm là chưa có nhiều sản phẩm địa phương xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm có hàm lượng công nghệ và sức cạnh tranh thấp. Đặc biệt, “câu chuyện” sản phẩm còn sơ sài, chưa gắn kết được lịch sử, văn hóa của địa phương với công nghệ sản xuất…
Bên cạnh tiềm năng phát triển còn rất lớn, các sản phẩm OCOP cũng đứng trước nguy cơ cạnh tranh từ hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng có giá rẻ. Trong khi hệ thống giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường Hà Nội nói riêng, cả nước nhìn chung còn chưa đáp ứng yêu cầu…
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, bên cạnh mục tiêu số lượng, chất lượng sản phẩm theo kế hoạch, TP sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các nội dung theo ý kiến chỉ đạo thực hiện điểm Chương trình OCOP Quốc gia.
Trọng tâm là Hà Nội sẽ tổ chức 6 sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền (Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ - Tây Nam Bộ), tại Không gian văn hoá - ẩm thực phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ. Xây dựng một số điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, sinh thái nông nghiệp. 4 địa điểm dự kiến sẽ là: Phường Vạn Phúc (quận Hà Đông), xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm), xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) và xã Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây).
Cũng theo ông Chí, Hà Nội đang đẩy nhanh các bước nhằm tiến tới xây dựng mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái tại huyện Đông Anh. Đồng thời, tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, phấn đấu đưa OCOP trở thành một thương hiệu có sức thu hút, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

Theo Kế hoạch số 3629/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu có 500 sản phẩm được đánh giá, phân hạng cấp TP và 100 sản phẩm được đánh giá, phân hạng cấp Quốc gia. Đồng thời, triển khai ít nhất hai mô hình làng nghề gắn với phát triển du lịch.