Tuyên truyền, kiểm tra để phòng ngừa
Theo thống kê, hiện Hà Nội có hơn 23.000 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có trên 10.500 cơ sở có nguy cơ về cháy nổ, hơn 4.900 cơ sở sản xuất, kho hàng hóa xen lẫn trong khu dân cư; hơn 1.300 công trình cao tầng…
Đáng chú ý, Hà Nội hiện có gần 500.000 nhà liền kề (dạng ống), trong đó có trên 120.000 nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất. Những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành cũng như ý thức của người dân về bảo đảm an toàn PCCC.
Công tác tuyên truyền được đổi mới để truyền tải có hiệu quả hơn đến từng người dân như tổ chức 12.657 lớp tuyên truyền, huấn luyện với gần 700.000 lượt người tham gia; tuyên truyền tại các điểm nút giao thông, hệ thống truyền thông, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tại các khu dân cư… Qua đó, đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động, nhiều hộ gia đình đã tự trang bị hệ thống cảnh báo cháy nhanh, trang thiết bị chữa cháy ban đầu, bổ sung thêm lối thoát hiểm…
Diễn tập PCCC tại một khu dân cư ở quận Cầu Giấy. Ảnh: Công Hùng |
Cùng với đó, hiệu lực, TP đã phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC và cứu hộ cứu nạn đối với các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020”. Qua đó, các đơn vị đã kiểm tra an toàn về PCCC và cứu hộ cứu nạn 7.759 lượt cơ sở chung cư, nhà cao tầng; lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 277 trường hợp…
Đặc biệt, công tác giám sát, kiểm tra thường xuyên, đột xuất, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về PCCC được đặc biệt coi trọng. Qua công tác kiểm tra, đã lập biên bản, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 19.184 tổ chức, cá nhân vi phạm, với số tiền hơn 65 tỷ đồng; ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với 1.838 cơ sở; đình chỉ hoạt động 1.096 cơ sở…
Tăng trách nhiệm của người đứng đầu
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư, Thành ủy Hà Nội đã rút ra các bài học kinh nghiệm về lĩnh vực này. Trong đó, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Chú trọng công tác tuyên truyền, chủ động thực hiện phương châm PCCC “4 tại chỗ”; lấy phòng ngừa là chính, bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC trong từng khu dân cư, từng hộ gia đình, từng cơ sở để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ gây cháy, nổ… Đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, không an toàn, có nguy cơ cháy lớn và đe dọa tính mạng của nhiều người, phải có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để, nghiêm minh…
Trước thực tiễn vẫn còn nhiều hạn chế đã được chỉ ra, để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW, Thành ủy đã xác định PCCC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên hàng ngày; việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể.
Người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo đơn vị của mình. Đồng thời, tăng kiểm tra, nhất là với nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chợ, khắc phục dứt điểm các vi phạm, sơ hở về bảo đảm an toàn PCCC; xử lý nghiêm các vi phạm…