Nhiều chương trình kích cầu
Để "hút" khách quốc tế, theo Dự thảo chương trình kích cầu du lịch năm 2013 được Bộ VHTT&DL xây dựng, dự kiến trong năm 2013, ngành du lịch sẽ xây dựng nhiều chương trình quảng bá điểm đến với khẩu hiệu "Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn". Bên cạnh đó, các sự kiện trong Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 cũng sẽ được ngành du lịch giới thiệu tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng ở nước ngoài, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia, các nước ASEAN...
Du khách quốc tế tại Hà Nội.Ảnh: Minh ngọc
Để thu hút du khách nước ngoài, Bộ VHTT&DL còn tổ chức các chuyến khảo sát thực tế cho các hãng lữ hành và báo chí nước ngoài. Bộ khuyến khích các khách sạn từ 2 đến 5 sao, các nhà hàng, doanh nghiệp (DN) lữ hành, hãng vận chuyển, hãng hàng không, các điểm du lịch, mua sắm… ở các tỉnh, thành tham gia cung cấp các dịch vụ famtrip (tiếp thị đến các hãng lữ hành, báo chí về các điểm du lịch của một quốc gia), tổ chức tour mẫu, thông tin về chất lượng dịch vụ, giá cả…Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, để khuyến khích các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ famtrip, ngành du lịch sẽ giảm 50% chi phí vé máy bay và 50% kinh phí tham dự các chương trình quảng bá tại nước ngoài do Tổng cục Du lịch tổ chức.
Song hành với chiến dịch "hút" khách ngoại, trong năm tới, ngành du lịch cũng xác định mục tiêu lấy nội địa làm thị trường trọng điểm thông qua việc các DN lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, vui chơi giải trí… sẽ giảm giá 10 - 30% vào mùa thấp điểm, không tăng giá đột biến vào mùa cao điểm, đoàn khách cũng được giảm giá vé đến các khu du lịch, khu vui chơi, giải trí...
Cần đi vào thực chất
Mặc dù Tổng cục Du lịch đã đưa ra nhiều giải pháp thu hút khách, nhưng tại buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch khu vực phía Bắc do Bộ VHTT&DL vừa tổ chức, các công ty du lịch lữ hành đều có chung nhận xét, các hoạt động kích cầu này vẫn nặng tính hình thức, khó khả thi.Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho rằng: Nhìn qua thì chương trình kích cầu này có nhiều điểm mới hơn những lần trước nhưng nếu phân tích kỹ thì không có gì mới mẻ hơn chiến dịch kích cầu năm 2010 với chương trình "Việt Nam - Điểm đến của bạn".
Vẫn chỉ là kêu gọi các doanh nghiệp du lịch giảm giá vào mùa thấp điểm (tháng 8 - 9), trong khi thực tế vào thời điểm này do vắng khách các doanh nghiệp du lịch không cần kêu gọi cũng buộc phải giảm giá, từ đó thu hút khách. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cam kết bán vé khuyến mại (giảm 50%) cả năm nhưng giới hạn một số tuyến bay, số ghế…
Với việc thu hút khách tại thị trường Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp băn khoăn, Nhật Bản luôn là thị trường lớn của ngành du lịch Việt Nam với lượng khách luôn chiếm tỷ lệ cao nhưng đến nay ngành du lịch chưa mở văn phòng đại diện quảng bá du lịch Việt Nam tại nước này. Ngay cả khi ngành du lịch Nhật đã gợi ý giúp đỡ.
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, muốn kích cầu du lịch thì điều quan trọng hơn cả là giá cả các loại hình dịch vụ phải được ổn định trong một thời gian dài, trong khi hiện nay giá các mặt hàng tăng giảm thất thường, đặc biệt là vào các kỳ nghỉ lễ. Điều này khiến các doanh nghiệp lữ hành phải điều chỉnh giá tour, dẫn tới giá tour trong nước cao hơn giá tour quốc tế của nước láng giềng như: Malaysia, Singapore, Thái Lan nên khó có thể thu hút khách nội địa mua tour. Chính vì vậy, thời gian tới, ngành du lịch cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng tổ chức các chương trình kích cầu sao cho sát với thực tế và đáp ứng nhu cầu của du khách.