Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năng lực cạnh tranh Việt Nam tụt hạng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo báo cáo mới nhất về năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố Việt Nam đã lùi 10 bậc so với năm ngoái.

 Trước đó đã có nhiều định chế quốc tế, trong đó có WB, IMF, đã đánh giá cao những chuyển biến tích cực của kinh tế Việt Nam. 
 
Bình luận về vấn đề này trong cuộc phỏng vấn của VTV, bà Victoria Kwa Kwa nhấn mạnh, WEF đã sử dụng những số liệu được lấy từ năm 2011, tính toán và đưa ra báo cáo vào thời điểm hiện nay. Năm 2011, lạm phát của Việt Nam ở mức 2 con số, tình hình vĩ mô chưa có nhiều diễn biến tích cực nên mới có kết quả Việt Nam bị tụt hạng.  
 
Năng lực cạnh tranh Việt Nam tụt hạng - Ảnh 1
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwa Kwa.

Từ đó đến nay, theo quan sát của WB, Chính phủ Việt Nam đã rất thành công trong cải thiện tình hình kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, lạm phát ở mức một con số, tình hình vĩ mô tốt hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, bà Victoria Kwa Kwa cũng cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại mà Việt Nam cần phải giải quyết, như nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện hệ thống cầu cảng để giúp tàu thuyền đi lại dễ dàng hơn, nâng cao hơn chất lượng đội ngũ lao động, đào tạo kỹ năng phù hợp. Khảo sát của WB cho thấy có nhiều doanh nghiệp đang thực sự cần lao động, nhưng lại không tuyển được lao động có kỹ năng, tay nghề theo yêu cầu.

Theo bà Victoria Kwa Kwa, Việt Nam cần phải tiếp tục cải cách nhiều lĩnh vực. Thứ nhất, phải kể đến các doanh nghiệp Nhà nước, cần nhìn nhận rõ hơn về việc doanh nghiệp Nhà nước nên tham gia vào lĩnh vực nào, doanh nghiệp tư nhân nên có mặt ở lĩnh vực nào. Chính phủ Việt Nam hẳn đã nhận thấy vấn đề này, nên đã đưa ra nhiều chính sách  đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước.

Thứ hai, Việt Nam cần cải cách hệ thống ngân hàng để hệ thống này hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra, phải thực sự chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực cho phù hợp với điều kiện phát triển mới của Việt Nam.

Trước đó, ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cũng đánh giá cao những kết quả mà Chính phủ Việt Nam đạt được trong 7 tháng đầu năm. Cụ thể, tỷ giá rất ổn định, lạm phát giảm rất mạnh từ mức trên 20% vào tháng 8/2011 xuống dưới 5,5% vào tháng 7/2012; đồng thời, dự trữ ngoại hối đã tăng nhiều. Người dân hiện nay đã tin tưởng hơn vào đồng Việt Nam.

“Cho dù quan điểm của chúng tôi là muốn lãi suất chính sách giảm chậm hơn nhưng chúng tôi có thể nói rằng kết quả đạt được nhìn chung là hài lòng và các biện pháp chính sách mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện đã mang lại kết quả ổn định kinh tế vĩ mô như chúng tôi kỳ vọng”, ông Sanjay Kalra nói.

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2012 – 2013 do WEF thực hiện dựa trên khảo sát tại 144 quốc gia, vùng lãnh thổ với trên hơn 100 chỉ tiêu, được chia làm 12 nhóm: Thể chế, hạ tầng, kinh tế vĩ mô, sức khỏe và giáo dục cơ bản, giáo dục & đào tạo nâng cao, thị trường hàng hóa, lao động, tài chính, mức độ sẵn sàng đón nhận công nghệ, quy mô thị trường, mức độ phát triển kinh doanh và tính tiên phong.

Trong Báo cáo, Việt Nam xếp thứ 75 trên tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát.