Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nâng tầm giá trị bưởi đặc sản Hà Nội

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bưởi là một trong 4 cây trồng chủ lực nằm trong Đề án phát triển cây ăn quả đặc sản của Hà Nội. Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất, chất lượng bưởi đã tăng rõ rệt, hiệu quả kinh tế trung bình đạt 400 - 600 triệu đồng/ha/năm.

Hiệu quả kinh tế cao
Vườn bưởi Diễn của anh Nguyễn Hải Sơn, ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ nức tiếng khắp vùng về độ sai quả và chất lượng thơm ngon. Hiện tại, anh Sơn có 450 gốc bưởi đang cho thu hoạch, sản lượng khoảng 3 vạn quả. Với giá bán (tại vườn) 25.000 đồng/quả, trừ các khoản chi phí, anh cầm chắc trong tay nửa tỷ đồng tiền lãi. Anh Sơn chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội về kỹ thuật xử lý mầm hoa, thụ phấn bổ sung… nên chúng tôi không còn nỗi lo mất mùa, càng vui hơn khi 3 năm liên tiếp năng suất và chất lượng bưởi đều tăng cao”.
Vườn bưởi Diễn của hộ anh Nguyễn Hải Sơn, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ánh Ngọc
Không chỉ có hộ anh Sơn, đa số hộ dân ở xã Nam Phương Tiến đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu nhờ cây bưởi Diễn. Theo thống kê của UBND huyện Chương Mỹ, đến nay, toàn huyện có gần 600ha trồng bưởi Diễn, tập trung tại 7 xã, thị trấn, trong đó nhiều nhất tại xã Nam Phương Tiến với diện tích 150ha. Chương Mỹ được coi là một trong những vùng trồng bưởi Diễn chất lượng cao của TP, với hiệu quả kinh tế bình quân đạt 500 - 600 triệu đồng/ha.

Cùng với bưởi Diễn, Hà Nội còn nhiều giống bưởi cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao như: Bưởi Tam Vân, bưởi đường Hiệp Thuận, bưởi thồ Bạch Hạ, bưởi đường La Tinh, bưởi Quế Dương, bưởi tôm vàng Đan Phượng… Do trồng xen nhiều giống bưởi khác nhau nên các vùng bưởi của Hà Nội luôn cho năng suất cao, đạt trung bình từ 20 - 22 tạ/ha.

Ngày 15/12, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức tổng kết và trao giải hội thi “Tìm hiểu khoa học kỹ thuật và quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm bưởi Hà Nội năm 2018”. Hội thi không chỉ là sân chơi bổ ích dành cho nhà nông mà còn là dịp tôn vinh 10 dòng, giống bưởi tiêu biểu của Thủ đô.

Đặc biệt, các giống bưởi này có thời gian thu hoạch dài từ tháng 8 đến tháng 1 năm sau nên đáp ứng yêu cầu rải vụ và tiêu thụ quả. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, toàn TP có 3.800ha trồng bưởi, trong đó bưởi Diễn chiếm 60% diện tích, được đánh giá là cây đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao nhất khi thời điểm thu hoạch và xuất bán đúng dịp Tết Nguyên đán.

Tạo dựng thị trường tiêu thụ bền vững

Để nâng cao trình độ sản xuất cho người dân, trong những năm qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho hơn 5.000 cán bộ, nông dân tại 14 HTX ở các quận, huyện về kỹ thuật trồng mới, thâm canh, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây bưởi, đặc biệt là tập huấn kiến thức VSATTP trong sản xuất và tiêu thụ. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, ngành nông nghiệp còn chú trọng đến công tác xây dựng nhãn hiệu và tạo dựng thị trường bền vững. Đến nay, Sở đã phối hợp với các địa phương xây dựng được 5 nhãn hiệu tập thể: “Bưởi Quế Dương”, “Bưởi Phúc Thọ”, “Bưởi Chương Mỹ”, "Bưởi thồ Bạch Hạ", "Bưởi tôm vàng Đan Phượng". Bên cạnh những thị trường truyền thống, bưởi Hà Nội đang bước đầu đưa sản phẩm lên sàn giao dịch nông sản Hà Nội cùng nhiều kênh khác để tiếp cận và phục vụ người tiêu dùng rộng rãi hơn.

Nhiều chuyên gia nhận định, Hà Nội có thế mạnh rất lớn về cây bưởi, sản phẩm quả được người tiêu dùng đánh giá cao và đưa vào tiêu thụ tại một số hệ thống siêu thị như: Hapro, Fivimart… Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ còn khiêm tốn, chủ yếu qua kênh thương lái. Do đó, Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ cao vào trồng bưởi cũng như bảo quản để có thể tiến tới xuất khẩu sang thị trường các nước như sản phẩm nhãn chín muộn.

Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội Hoàng Thị Hòa khẳng định, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Nội, chuyển đổi sang các cây trồng chất lượng cao, trong đó bưởi là cây trồng được nhiều địa phương chọn lựa. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng những vùng bưởi chất lượng cao. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường và xây dựng các chuỗi sản xuất – chế biến - tiêu thụ bưởi. Cùng với đó, tiếp tục kết nối các tổ, hội, hợp tác xã với các DN nhằm tiêu thụ lâu dài và ổn định cho sản phẩm bưởi.Cùng với đó, tiếp tục kết nối các tổ, hội, hợp tác xã và các DN, trang web “Nông sản an toàn Hà Nội”: nongsanantoanhanoi.gov.vn của Trung tâm xúc tiến đầu tư-thương mại-du lịch Hà Nội nhằm tiêu thụ lâu dài và ổn định cho sản phẩm bưởi.