Dù trong vòng xoáy của nền kinh tế thị trường và tác động của đô thị hóa, Hà Nội vẫn đang chứa đựng trong mình những giá trị rất lớn về lịch sử, về văn hóa, về kiến trúc… làm nên hồn cốt, vóc dáng của một Thủ đô nghìn năm tuổi. Mà các di sản kiến trúc cũ và mới đa dạng về phong cách đã tạo nên một không gian đô thị Hà Nội rất đặc biệt.
Để hiểu sâu thêm về bản sắc kiến trúc Thủ đô cũng như những thách thức cần phải sớm có hành động để gìn giữ phần hồn cho đô thị Hà Nội, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chuyên gia phản biện độc lập về kiến trúc và quy hoạch.
Hà Nội có quỹ kiến trúc rất giá trị, vừa cổ kính vừa hiện đại
Theo dòng lịch sử, nhiều công trình kiến trúc tạo cho Thủ đô một bản sắc rất riêng mà không đô thị nào có được. Vậy ông có thể nói đôi nét về phong cách kiến trúc đặc trưng của Hà Nội?
- Kiến trúc Hà Nội gắn liền với sự hình thành và phát triển của một đô thị có chiều dày lịch sử hơn ngàn năm tuổi. Chiều dày lịch sử hào hùng và bi tráng ấy đã bồi đắp cho đô thị này một di sản kiến trúc, một nền văn hóa và lối sống thanh lịch của người Thăng Long xưa và Hà Nội hôm nay, tạo nên hồn cốt, bản sắc văn hóa riêng, rất đặc sắc, rất đặc biệt mà không một đô thị nào có được.
Bắt đầu là Hoàng thành (Di sản văn hóa thế giới) cùng hàng nghìn di tích, di sản như chùa chiền, đền miếu…, rồi đến khu phố cổ với những ngôi nhà thấp tầng hình ống, lô xô mái ngói thâm nâu với những khoảng vườn - sân trong độc đáo; khu phố cũ (còn gọi là khu phố Tây) được hình thành khi người Pháp tiến hành quy hoạch Hà Nội theo kiểu đô thị châu Âu, với cấu trúc hình ô bàn cờ vào cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, với hàng ngàn công trình đa dạng về phong cách như kiến trúc tân cổ điển, kiến trúc địa phương Pháp, kiến trúc Đông Dương, Art Deco, Neo-Gothic… rồi đến kiến trúc hiện đại, hậu hiện đại và bây giờ là kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững.
Trải qua quá trình tiếp nhận và tiếp biến có chọn lọc, Hà Nội đã trở thành một đô thị lớn có quỹ kiến trúc rất giá trị, vừa cổ kính vừa hiện đại. Và đó chính là kiến trúc đặc trưng của Hà Nội.
Ông có nhận xét gì về vai trò của kiến trúc trong việc tạo nên bản sắc, hình thể của đô thị Hà Nội xưa và nay?
- Kiến trúc Hà Nội hình thành trên nền địa hình, cảnh quan sông Hồng và văn hóa, con người Thăng Long. Và kiến trúc đã góp phần quan trọng, tạo nên hồn cốt đô thị Hà Nội, bản sắc văn hóa Hà Nội. Không phải ngẫu nhiên mà khi nói đến Hà Nội là nói đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Cột cờ, Hồ Gươm với Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, khu phố cổ 36 phố phường, cầu Long Biên, khu phố cũ với Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn, Trụ sở Ngân hàng, Bộ Ngoại giao, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Cách mạng, Thư viện quốc gia… và hàng trăm biệt thự vườn tọa lạc trên các đường phố lớn rợp mát bóng cây xanh.
Tất cả quỹ kiến trúc di sản ấy vẫn còn đang hiện diện với chúng ta, đồng hành cùng với hàng ngàn kiến trúc mới hiện đại được xây dựng sau 1954 đến nay để tạo nên bản sắc đô thị Hà Nội, minh chứng hùng hồn về một thành phố vừa cổ kính vừa hiện đại đầy hấp dẫn và độc đáo. Kiến trúc đô thị Hà Nội đã tạo nên vóc dáng vạm vỡ của một Hà Nội trong thế kỷ XXI theo hướng văn minh, hiện đại, xanh, phát triển bền vững và giàu bản sắc văn hóa Thăng Long, văn hóa sông Hồng.
Thực hiện đồng bộ giải pháp để gìn giữ, nâng tầm giá trị
Trước nhu cầu phát triển của một đô thị hiện đại, kiến trúc Thủ đô đang đối mặt với những thách thức như thế nào, thưa ông?
- Cũng như nhiều nước trên thế giới, trong quá trình đô thị hóa và phát triển các đô thị đều gặp và phải vượt qua rất nhiều thách thức giữa bảo tồn và phát triển. Đó là quy luật. Hà Nội và các đô thị khác của nước ta cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, với Hà Nội, một thành phố siêu đô thị, vào loại 17 thành phố lớn nhất trên thế giới, có xuất phát điểm kinh tế thấp, lại mới chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN được hơn 30 năm, thì thách thức đó lớn hơn rất nhiều.
Có thể nêu ra, như công tác quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch còn chưa tốt; còn tình trạng xây dựng trái phép và không phép, nhà siêu mỏng siêu méo… gây ra sự lộn xộn làm xấu kiến trúc cảnh quan đô thị; quy hoạch còn thiếu tầm nhìn dài hạn; các di sản kiến trúc chưa được quan tâm giữ gìn, bảo vệ đúng mức để phát huy giá trị; chưa khai thác tài nguyên hợp lý, còn sử dụng lãng phí đất đai, nguồn nước sạch…; một số không gian công cộng, không gian xanh như công viên, vườn hoa, sông, hồ còn bị lấn chiếm sử dụng không đúng chức năng; quy hoạch được duyệt hay bị điều chỉnh; năng lực quản trị và thực thi công vụ còn yếu kém.
Đặc biệt, do quy hoạch thiếu tầm nhìn, thiếu dự báo khoa học nên dẫn đến dân số tăng nhanh mất kiểm soát (như năm 2008, khi Hà Nội mở rộng lên 3.300 km2, dân số mới chỉ 6,5 triệu người, sau 15 năm dân số đã là hơn 8,5 triệu?!), cùng với đó là việc triển khai các dự án giao thông công cộng quá chậm, tất cả đã dẫn đến việc tắc đường kẹt xe, ô nhiễm môi trường, chất lượng sống trong đô thị suy giảm… Đó là những bất cập nếu không khắc phục nhanh sẽ là cản trở lớn đến sự phát triển bền vững của TP.
Theo ông, để kiến tạo một đô thị Hà Nội văn minh hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc, vai trò của các kiến trúc sư, cơ quan quản lý và các cấp chính quyền TP cần phải có hành động gì để gìn giữ những nét kiến trúc – một yếu tố quan trọng tạo nên phần hồn đô thị của Thủ đô nghìn năm tuổi ?
- Đô thị nào cũng có lịch sử theo suốt quá trình hình thành, phát triển và cả khi nó lụi tàn (vì chiến tranh, vì đại họa thiên tai như động đất, núi lửa, sóng thần). Mà nói đến lịch sử đô thị, đầu tiên phải nói đến các di sản kiến trúc văn hóa. Di sản kiến trúc này đã tạo nên hồn cốt của đô thị. Vì thế việc giữ gìn bảo tồn và phát huy giá trị di sản, để di sản tham gia vào công nghiệp văn hóa là vấn đề rất quan trọng, cấp thiết, đó cũng là nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Đã gần 70 năm kể từ khi Hà Nội được giải phóng (10/10/1954), trải qua những giai đoạn phát triển, vui có buồn có, nhiều di tích kiến trúc của Thủ đô đã bị tàn lụi, mất đi… nhưng về cơ bản Hà Nội vẫn giữ được hồn cốt của mình. Đó là điều rất trân trọng. Ta có thể thấy, ngoài hàng trăm nghìn di tích kiến trúc văn hóa như đình, chùa, đền, miếu… thì vẫn còn đó một Hoàng thành Thăng Long dấu tích vàng son rực rỡ của một thủa cha ông ta dựng nước, một khu phố cổ mang đậm nét sinh hoạt buôn bán của các phố Hàng xưa. Vẫn còn đó các đường phố của khu phố cũ với rất nhiều biệt thự vườn, công trình công cộng, công thự, văn hóa, tôn giáo có kiến trúc đặc sắc tọa lạc trên các đường phố rộng rãi, sạch sẽ, rợp mát bóng cây xanh…
Tuy nhiên, di sản, di tích cũng như đời người cũng phải thường xuyên được quan tâm tu bổ, sửa chữa, chăm sóc. Nếu như thời gian qua, do điều kiện kinh tế, do hạn chế về tư duy, về năng lực quản trị mà TP đã để mất đi rất nhiều công trình có giá trị trong quỹ kiến trúc thời Pháp thuộc ở Hà Nội.
Ngày nay, Hà Nội cùng cả nước đã và đang đứng trước vận hội phát triển mới của thời kỳ công nghiệp lần thứ tư, với số hóa, công nghệ số, internet vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo. Vì thế, Hà Nội cần phải đưa công nghệ mới vào quản lý quỹ di sản kiến trúc đặc biệt này, trong đó có kiến trúc Pháp. Cần có chủ trương, chính sách cụ thể, hợp lý và kiên quyết trong việc thu hồi các biệt thự, các công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử, về nghệ thuật kiến trúc để bảo tồn, tôn tạo phục vụ cộng đồng. Các công viên, vườn hoa, sông, hồ hiện có cần được cải tạo chỉnh trang nâng cấp.
Vừa qua Hà Nội đã phục hồi lại nguyên dạng biệt thự 49 Trần Hưng Đạo là một ví dụ tốt, cần được nhân rộng (nếu có đủ nguồn lực để đầu tư). Và cuối cùng, tôi nhấn mạnh để Hà Nội là thành phố văn hóa - văn minh, hiện đại, thông minh và giàu bản sắc văn hóa, thì trước hết phải nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn di sản, cảnh quan di sản, cảnh quan thiên nhiên cho cộng đồng dân cư, cho xã hội, mà kiến trúc sư và chính quyền các cấp phải là những người gương mẫu, tiên phong.
Xin trân trọng cảm ơn ông!