Thiếu những thương hiệu uy tín
Chia sẻ tại Diễn đàn thương hiệu năm 2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay rằng, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ DN mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và ở cấp quốc gia. Vì vậy, việc Việt Nam triển khai xây dựng chiến lược thương hiệu quốc gia (THQG) phù hợp với xu hướng phát triển mới là hết sức cần thiết.Thực tế cho thấy, thương hiệu hàng hóa Việt Nam đang bộc lộ những bất cập lớn như bị lép vế trước các thương hiệu nước ngoài trên chính thị trường nội địa. Thậm chí, hàng Việt bất đắc dĩ thâm nhập thị trường thế giới thông qua trung gian hoặc dưới dạng gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài, bị đối thủ cạnh tranh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, khai thác một cách bất lợi trên thị trường thế giới. Nhiều DN xuất khẩu Việt Nam phải chịu thiệt đơn, thiệt kép do không hiểu biết pháp luật, không có ý thức xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Nhiều người nước ngoài không biết đến hoặc biết không đầy đủ về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam.Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã xấp xỉ GDP của đất nước, với hàng chục mặt hàng đạt kim ngạch 20 - 30 tỷ USD/năm, thậm chí đứng tốp đầu thế giới. Song, Việt Nam lại chưa có những thương hiệu có uy tín tương xứng và giá trị thu về thấp. “Thực trạng trên đã kéo dài nhiều năm. Việt Nam vẫn chỉ được xem là nước sản xuất nguyên liệu thô, gia công, lắp ráp, cung cấp đầu vào cho các tập đoàn lớn, thương hiệu lớn. Chính vì vậy, xây dựng và phát triển THQG Việt Nam ngày càng trở thành yêu cầu cấp bách” - PGS.TS Nguyễn Văn Thạo - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận T.Ư nhấn mạnh.Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệpTHQG gắn liền với yêu cầu về tính đa dạng và tính chất lượng của hàng hóa, dịch vụ và hành trình xây dựng thương hiệu là cả một chiến lược dài hơi. Nhận thức rõ vấn đề này, nhiều DN bày tỏ mong muốn được tiếp cận nhanh nhất sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước khi gặp phải những sự cố khủng hoảng. Nhà nước nên có kênh chính thức, can thiệp hỗ trợ bảo vệ thương hiệu khi DN gặp phải khó khăn, tránh tình trạng thương hiệu xây dựng hàng chục năm nhưng chỉ mất đi trong vài tháng.Chia sẻ kinh nghiệm về bài toán xây dựng thương hiệu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương cho biết, một trong những điều tạo nên sự thành công của Tân Hiệp Phát là chọn xây dựng thương hiệu ngay từ những ngày đầu thành lập. Đó là lựa chọn tạo ra sản phẩm chất lượng, có tên riêng, gắn với khẩu hiệu để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Cụ thể, Tân Hiệp Phát đã phải mất 18 năm cho xây dựng nhãn hàng Number 1, 14 năm cho nhãn hàng Trà xanh không độ và 10 năm cho nhãn hàng Trà thanh nhiệt Dr Thanh. Đó là quá trình dài thể hiện sự nỗ lực tổng thể từ chất lượng, đổi mới sáng tạo và khát vọng vươn lên của DN.Theo Phó Trưởng ban Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Hữu Nghĩa, nếu xây dựng thương hiệu DN yêu cầu sự nỗ lực của một tập thể lao động, thì xây dựng THQG đòi hỏi sự chung tay lâu dài và bền bỉ của cả một dân tộc. Muốn thương hiệu được nhiều người biết đến, bản thân các DN phải không ngại thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường. Quan trọng hơn cả là thương hiệu DN và THQG nên có sự cộng hưởng và tương trợ lẫn nhau cùng phát triển. Đồng quan điểm, Trưởng ban kinh tế và thương mại Đại sứ quán Italia tại Việt Nam Antonino Tedesco cho rằng, muốn phát triển THQG, Việt Nam phải tận dụng được nhãn hiệu sản phẩm, dịch vụ. Bên cạnh chính sách phát triển, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần có kế hoạch bảo vệ thành quả của THQG, tránh bị làm giả, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu.