15 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội “về điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội và một số tỉnh liên quan”:

Nâng tầm vị thế mới cho du lịch Thủ đô

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội “về điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội và một số tỉnh liên quan”, du lịch Hà Nội đã tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng; số lượng và cơ cấu khách du lịch tạo nên tầm vóc, diện mạo mới cho du lịch Thủ đô.

Du khách quốc tế tham quan trải nghiệm các hoạt động tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023
Du khách quốc tế tham quan trải nghiệm các hoạt động tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023

Tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội hiện nay đã ôm trọn trong mình thế mạnh của cả 2 vùng đất “địa linh nhân kiệt” đó là Thăng Long và Xứ Đoài tạo nên tầm cao, vị thế mới cho du lịch Thủ đô. Du lịch được chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Năm 2019, Thủ đô Hà Nội đón 21,92 triệu lượt khách nội địa (gấp 1,9 lần năm 2011), 7,02 triệu lượt khách quốc tế (gấp 3,7 lần năm 2011), chiếm trên 37% lượng khách quốc tế của cả nước, xứng đáng vai trò trung tâm điều phối du lịch lớn nhất khu vực phía Bắc.

Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.

Năm 2020 và 2021, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, khách du lịch suy giảm mạnh. Tuy nhiên, ngay khi đại dịch dần được kiểm soát, Thành phố chỉ đạo thực hiện kích cầu và cơ cấu lại các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung phục vụ khách nội địa; đã công nhận thêm 10 điểm du lịch, xây dựng thêm nhiều sản phẩm mang đến “làn gió mới” cho du lịch; ký kết hợp tác, kết nối với các tỉnh, thành phố thiết lập "hành lang xanh" du lịch; tổ chức nhiều chương trình kích cầu, tuyên truyền, quảng bá “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”…

Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nhằm tăng cường, nâng cao năng lực quản lý du lịch, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; các lớp văn hóa du lịch cộng đồng tại các trọng điểm du lịch.

TP Hà Nội mở rộng 5 tuyến phố đi bộ, gồm: Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm; Phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ; Phố đi bộ Hồ Thuyền Quang, Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng; Phố đi bộ quanh Thành cổ, Thị xã Sơn Tây; Phố đi bộ Đảo Ngọc, Ngũ Xã, quận Ba Đình. Hiện nay, TP đang làm thủ tục chấp thuận chủ trương phố đi bộ, phố đêm Ocean Pack, huyện Gia Lâm.

Năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách – đạt tương đương năm 2015, bằng 62,3% cận dưới mục tiêu năm 2025 (30 triệu khách), trong đó khách quốc tế 1,5 triệu lượt, bằng 21,4% mục tiêu năm 2025.

Du lịch phục hồi mạnh

Tại Kỳ họp thứ 14 HĐND TP khóa XVI vừa qua, một số đại biểu HĐND TP Hà Nội đánh giá, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành du lịch được cho là phát triển mạnh mẽ và là điểm sáng trong các ngành dịch vụ.

Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 20,7 triệu lượt, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế 3,6 triệu lượt, tăng 3,5 lần; khách nội địa 17,1 triệu lượt, tăng 19,1%. Lượng khách có lưu trú đạt 3,9 triệu lượt, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng thu từ khách du lịch đạt 76,3 nghìn tỷ đồng, tăng 66,7%; công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 59,9%; tăng 13,9 điểm % so với cùng kỳ. Dự kiến cả năm khách nội địa đạt 20 triệu lượt, khách quốc tế 4 triệu lượt, vượt mục tiêu đề ra.

Du lịch phục hồi mạnh một mặt là do dịch Covid-19 đã được kiểm soát, mặt khác, TP đã kịp thời kích cầu du lịch, đưa ra một số sản phẩm du lịch mới như thúc đẩy hoạt động các tuyến phố đi bộ; xây dựng các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm: tour Giải mã Hoàng thành Thăng Long; du lịch văn học chữ Tâm, chữ Tài…

Ngoài ra, TP đã tổ chức vận chuyển miễn phí cho du khách tham quan Hà Nội bằng xe buýt 2 tầng theo hành trình City tour, dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4, 1/5 và Lễ Quốc Khánh 2/9 với 271 chuyến xe phục vụ hơn 13.000 lượt khách tham quan trải nghiệm, nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm hoàn toàn mới, góp phần thu hút du khách đến với Hà Nội.

Xây dựng các tour du lịch có tính kết nối cao

Để xây dựng, phát triển Thủ đô trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại”, là thành phố đáng sống của cả nước, khu vực và thế giới, Thành phố kết nối toàn cầu, Thành phố sáng tạo, vai trò của ngành du lịch là hết sức quan trọng.

Trong thời gian tới, TP Hà Nội xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng điểm đến du lịch, nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, điểm dừng chân, điểm cung cấp dịch vụ. Phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản – di tích, làng nghề; du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống; đưa vào khai thác mô hình du lịch cộng đồng chuyên nghiệp.

Ngoài ra, TP phát triển mô hình du lịch nông nghiệp chất lượng cao tại các huyện Thường Tín, Sơn Tây, Ba Vì, Sóc Sơn… Phát triển thêm khu vực phố đi bộ gắn với các tuyến phố ẩm thực, biểu diễn văn hóa theo chủ đề.

TP sẽ tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trọng điểm trong cả nước nhằm quảng bá điểm đến và xây dựng tour du lịch có tính kết nối cao. Thực hiện tuyên truyền, quảng bá điểm đến và xây dựng tour du lịch, các điểm, sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế, các website, nền tảng mạng xã hội. Tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, kêu gọi các hoạt động đầu tư về du lịch…