Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng: Tuổi nghỉ hưu không phải là vấn đề mới. Từ năm 2008, Ngân hàng Thế giới đã phối hợp với nước ta để đánh giá vấn đề này. Có 5 lý do để tăng tuổi nghỉ hưu, thứ nhất chúng ta đang ở quá trình kép về dân số. Năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng nên tận dụng cơ hội lực lượng lao động trẻ để phát triển đất nước. Từ năm 2011, chúng ta lại bắt đầu già hóa dân số rất nhanh, với dự báo là 20 năm. Vì thế, tăng tuổi nghỉ hưu là chính sách tận dụng dân số vàng cũng như đối mặt với thách thức của dân số già. Thứ nữa, trong quá trình phát triển, chúng ta phải tận dụng lực lượng lao động ở đối tượng trẻ tuổi và những người có tuổi, đặc biệt là các đại biểu quốc hội nữ 55 tuổi có rất nhiều năng lực làm việc.Tăng tuổi nghỉ hưu là giải pháp để cân đối quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng như tạo ra tính bền vững của quỹ này. Chúng ta chuẩn bị chính sách này cho câu chuyện của 15 - 20 năm sau.Việt Nam đã hội nhập sâu rộng và tham gia các công ước quốc tế, nên cần phải thực hiện quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong tuổi nghỉ hưu. Và, xu hướng các nước đều điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tăng lên theo các phương án khác nhau. Vì thế, Việt Nam không thể một mình đứng riêng biệt.Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng 5 lý do mà Thứ trưởng Huân nêu ra rất thực tiễn, đáng lưu ý và cần tính toán đến tác động kinh tế để xử lý vấn đề bài toán nghỉ hưu. Nhưng, theo ông Lợi có 3 điểm mấu chốt để quyết định tăng tuổi nghỉ hưu. Đầu tiên là căn cứ vào sức khỏe của người lao động (NLĐ). Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng lên 73 nhưng vẫn thấp so với các nước. Thứ hai căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế của đất nước. Cuối cùng là quan hệ giữa cung và cầu sử dụng lao động. “Nâng tuổi nghỉ hưu thì sinh viên ra trường ngồi ở đâu? Câu chuyện này cần phải tính toán. Hệ thống pháp luật của chúng ta không chỉ xây dựng cho hôm nay, ngày mai mà cho tương lai… Vấn đề là khi nào nâng tuổi nghỉ hưu, đối tượng nào điều chỉnh trước, nâng lên bao nhiêu là hợp lý?” - ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh. Vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra nhanh hơn các nước, vậy làm sao đối mặt? Trong khi đó, phải đảm bảo an sinh xã hội tốt nhất. Lâu nay, chúng ta dựa quá nhiều vào ngân sách Nhà nước. Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng phải cân bằng lại. Nhà nước là chủ đạo, cơ bản quyết định nhưng toàn dân phải tham gia vào hệ thống an sinh xã hội trong đó BHXH là trụ cột. Ông Bùi Sỹ Lợi nhận xét, hai phương án mà Bộ LĐTB&XH dự kiến (nam tăng từ 60 lên 62, nữ từ 55 lên 58 hoặc 60) đều được. Nhưng có thuyết phục hay không thì phải đánh giá được tác động của tuổi nghỉ hưu. “Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ cân đối thị trường lao động như thế nào, làm sao khắc phục được vấn đề lao động chuyên môn kỹ thuật cao mà nghỉ hưu sớm, tạo cơ hội cho lao động trẻ được đào tạo để bước vào thị trường.”“Ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại và lao động trực tiếp; lao động vùng sâu xa bị suy giảm khả năng lao động, chúng ta chưa bàn đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Những ngành nghề có môi trường lao động và điều kiện làm việc tốt hơn, có thể chúng ta điều chỉnh một chút nhưng phải đảm bảo sức khỏe cho NLĐ” - ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.