"Việc nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 là bảo đảm sự thống nhất về trẻ em và người chưa thành niên trong hệ thống pháp luật Việt Nam". Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTBXH khẳng định như vậy khi giới thiệu một số điểm mới trong dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) vào chiều (16/10).
Nếu nâng độ tuổi trẻ em từ 16 lên dưới 18, cả nước sẽ có 30.384.585 trẻ em, chiếm 34% dân số. Theo ông Hoa Nam, việc tăng tỷ lệ dân số trẻ em không làm ảnh hưởng lớn đến hệ thống chính sách và nguồn ngân sách cho y tế, giáo dục, văn hóa, trợ giúp xã hội hiện nay. Bởi hầu hết các chính sách cho người chưa thành niên đều đã được tiếp cận và hoạch định theo độ tuổi và bậc học.
Hơn nữa, việc nâng độ tuổi trẻ em phản ánh thực tế những người chưa thành niên dưới 18 tuổi do chưa trưởng thành đầy đủ và trọn vẹn có quyền được Nhà nước chăm sóc và bảo vệ đặc biệt. Vấn đề xã hội của trẻ em và người chưa thành niên cũng có những diễn biến phức tạp hơn trong những năm gần đây, trong đó trẻ em và vị thành niên vi phạm pháp luật thường rơi vào độ tuổi từ 14 đến 18- chưa có nhiều chính sách bảo vệ, giáo dục về đạo đức, nhân cách.
Báo cáo tổng kết việc thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của 63 tỉnh thành thì có tới 46 tỉnh đề nghị nâng tuổi của trẻ em lên dưới 18. Qua thăm dò ý kiến của trẻ em 63 tỉnh, thành về sửa Luật, có 53,5% trẻ em muốn tuổi của trẻ em được nâng lên dưới 18. Báo cáo hàng tháng đường dây nóng tư vấn hỗ trợ trẻ em của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho thấy luôn có trên 52% số cuộc gọi đến có nội dung liên quan đến lứa tuổi 15 đến 18.
Để tránh áp lực gia tăng ngân sách khi Luật được ban hành, ông Hoa Nam nói: "Dự thảo quy định chính sách nhà nước được thực hiện có lộ trình từng bước gia tăng mức độ đầu tư, mở rộng dần đối tượng, độ tuổi trẻ em và có căn cứ vào mức độ phát triển kinh tế - xã hội đối với các chính sách đảm bảo quyền của trẻ em".
Kinhtedothi - Nâng tuổi trẻ em lên dưới 18 có làm tăng ngân sách? |