Điều gì khiến các DN, đặc biệt là DN nhỏ và siêu nhỏ thờ ơ với việc xây dựng văn bản pháp quy, thậm chí ngay cả khi văn bản có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của chính DN? Sợ “nhiệt tình” sẽ bị gây khó dễ! Tại Hội thảo "Vai trò của DN trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật" do VCCI tổ chức ngày 13/8, ông Đậu Anh Tuấn (Ban Pháp chế VCCI) cho biết, còn một bộ phận không nhỏ 4% các DN nhỏ và siêu nhỏ tham gia khảo sát không có nhu cầu tham gia góp ý cho các dự thảo; 45% DN cho biết chỉ tham gia nếu vấn đề liên quan mật thiết đến hoạt động kinh doanh của họ; 32% DN khẳng định sẽ tham gia nếu các quy định chưa hợp lý, gây khó khăn cho mình. Có nhiều nguyên nhân khiến các DN ngại tham gia hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhưng rõ nhất là vì thời hạn lấy ý kiến quá ngắn, nội dung dự thảo khó hiểu. Ngoài ra, có đến 68% DN cho biết đã có góp ý nhưng không được tiếp thu, 52% khẳng định do thiếu phúc đáp và giải trình từ cơ quan soạn thảo, thậm chí 48% DN còn lo ngại bị gây khó dễ nếu "nhiệt tình" tham gia góp ý dự thảo. Thừa nhận vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn cho biết: "Thực tế có cơ quan soạn thảo làm rất tốt công tác tham vấn ý kiến của DN, nhưng có bộ, ngành không tổ chức lấy ý kiến hoặc chỉ làm qua loa cho xong, không thực chất. Có cả yếu tố lợi ích nhóm, quyền lợi ngành chi phối nặng nề đến quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật". Doanh nghiệp cần chủ động Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ông Vũ Xuân Tiền - Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách, Hội các nhà quản trị DN Việt Nam cho rằng, hiện nay, các văn bản luật có tính chất "khung", trên cơ sở đó, các văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau đó quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật. Hậu quả của tình trạng luật "khung" là tạo ra một hệ thống pháp luật nhiều tầng nấc, cấp độ. Trong đó, có rất nhiều văn bản không phù hợp với thực tế, thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, chưa thực sự quan tâm nhiều đến lợi ích của người dân, DN… "Luật đã ban hành nhưng chưa thể đi vào cuộc sống nếu chưa có nghị định. Nghị định cũng bị "treo" nếu chưa có thông tư hướng dẫn. Vậy là thông tư hướng dẫn của các bộ, cơ quan ngang bộ mới là văn bản "to nhất". Đây là tình trạng không thể chấp nhận" - ông Tiền bức xúc. Để khắc phục tình trạng nói trên, có ý kiến cho rằng, Quốc hội phải thực hiện tất cả các khâu của quy trình xây dựng luật, hạn chế việc ủy quyền cho bộ máy hành pháp xây dựng luật. Cần phải bảo đảm đến mức cao nhất tính minh bạch của văn bản luật, ngăn chặn triệt để tình trạng đưa lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm vào văn bản luật. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật, cần phải hạn chế đến mức thấp nhất các văn bản dưới luật, quy định chi tiết thi hành luật. Trong quá trình xây dựng luật, cần phải đưa DN vào đối tượng để lấy ý kiến tham vấn, đóng góp. Có như vậy thì luật được ban hành sẽ đi vào cuộc sống, đặc biệt là những nội dung luật liên quan đến cộng đồng DN.Bà Nguyễn Kim Dung - thành viên Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Apollo Việt Nam còn đưa ra một đề xuất đáng lưu tâm: Khi lấy ý kiến góp ý của DN, cơ quan tiếp nhận văn bản góp ý cần đưa ra lộ trình, hình thức đóng góp ý kiến, thời hạn cụ thể để các DN tham gia đúng quy trình và thống nhất, từ đó, cơ quan quản lý có thêm khung sườn để xây dựng chính sách hiệu quả và sát thực nhất.